Anh Thịnh (Long Biên, Hà Nội) có nhu cầu thế chấp nhà đất đang ở để vay vốn 500 triệu làm kinh doanh. Tuy nhiên, hiện anh Thịnh chỉ có giấy tờ mua đất viết tay từ năm 1992 và giấy xác nhận của phường về việc đất không có tranh chấp. Vậy anh Thịnh có được đem thế chấp nhà đất đó để vay vốn ngân hàng hay không?
Khoản 1 Điều 118 Luật Nhà ở 2014 quy định, giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở đó phải có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này. Cụ thể, quy định tại Khoản 2 nêu rõ chỉ có duy nhất một trường hợp ngoại lệ được thế chấp nhà tại ngân hàng dù chưa có sổ đỏ đó là thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai (đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng).
Đối chiếu vào trường hợp của anh Thịnh, tài sản định thế chấp là nhà ở đã hoàn thành (không phải nhà ở hình thành trong tương lai) và cũng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Như vậy, nhà đất mà anh Thịnh đang sử dụng không thể dùng làm tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn ngân hàng.
Với hiện trạng nhà đất như anh Thịnh mô tả, đã nộp thuế đầy đủ và có xác nhận đất không tranh chấp của địa phương, anh có thể lên UBND (xã, phường, thị trấn) làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công trình gắn liền với đất (Sổ đỏ, Sổ Hồng), sau đó mới có thể thực hiện nhiều quyền liên quan đến sử dụng đất như cầm cố, thế chấp vay vốn, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Lưu ý, kể cả khi đất trong thời hạn sử dụng, có giấy chứng nhận, quyền sử dụng đất không bị kê biên và không vướng tranh chấp nhưng nếu rơi vào 3 trường hợp sau đây, người sử dụng đất vẫn không được thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng. Cụ thể:
– Người quản lý di sản là quyền sử dụng đất không được thế chấp quyền sử dụng đất đó nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản (Theo Điểm b Điều 617 Bộ luật Dân sự năm 2015).
– Không được thế chấp đất của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư. Khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Như vậy, dù đất của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư đã có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì cũng không được thế chấp.
– Tổ chức, cá nhân sử dụng đất tại cảng hàng không, sân bay không được thế chấp quyền sử dụng đất. Do Khoản 4 Điều 156 Luật Đất đai năm 2013 quy định tổ chức, cá nhân sử dụng đất tại cảng hàng không, sân bay phải sử dụng đất đúng mục đích; không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Theo ThanhnienViet