Khi đã đóng toàn bộ hoặc một phần tiền để mua nhà đất nhưng sau đó chủ đầu tư tuyên bố phá sản thì người mua liệu có đòi lại được toàn bộ tiền hay sẽ mất trắng?
Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 khiến thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, hàng loạt doanh nghiệp phải cắt giảm nhân viên, thậm chí giải thể. Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình đăng ký doanh nghiệp mới trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020 cho thấy, bất động sản là lĩnh vực có số doanh nghiệp giải thể lớn nhất, cụ thể là 620 doanh nghiệp.
Trong năm 2019, lĩnh vực bất động sản cũng đứng đầu về lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể, theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư). Số liệu này đều tăng so với năm 2018 với 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể (tăng 39,4%) và 598 doanh nghiệp bất động sản tạm dừng hoạt động (tăng 36,8%).
Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp bất động sản phá sản, không ít người đặt ra câu hỏi là nếu trong trường hợp đã đóng tiền mua bất động sản của doanh nghiệp đó thì liệu có bị mất trắng số tiền này?
Thực tế này đã từng xảy ra. Chẳng hạn năm 2016, Tòa án nhân dân TP.HCM đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với PVCLand – chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark. Trước đó, bà Giang – một khách hàng của dự án này đã yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với PVCLand do chủ đầu tư này chậm bàn giao nhà gần 6 năm và khó có thể triển khai tiếp dự án. Trong khi đó, bà Giang đã đóng đủ tiền mua nhà. Nhiều khách hàng khác cũng đã nộp một phần hoặc toàn bộ tiền cho chủ đầu tư.
Về câu hỏi liệu khách hàng có bị mất trắng tiền khi doanh nghiệp bất động sản phá sản, luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, việc mất hay không hoặc được nhận lại bao nhiêu còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của công ty đó. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản, tài sản của doanh nghiệp sẽ được phân chia theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể, các khoản chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của công ty sẽ được ưu tiên. Sau khi thanh toán những khoản trên mà công ty vẫn còn tài sản thì sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Cũng theo luật sư Hữu, khi tòa án mở thủ tục phá sản với một công ty bất động sản, khách hàng muốn đảm bảo quyền lợi của mình cần thực hiện ngay quyền đòi nợ. Cụ thể, theo Điều 66 Luật Phá sản năm 2014, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Nếu quá thời hạn trên mà khách hàng không thực hiện quyền đòi nợ thì coi như bỏ quyền đòi nợ.
- Phải làm gì khi UBND xã từ chối hòa giải tranh chấp đất đai?
- Cha mẹ già phải làm như thế nào để đòi nhà đã cho con bất hiếu?
Theo ThanhnienViet