Ông Minh có 2 người con là chị Yến (đã lập gia đình, ở riêng) và anh Trí (đang sống cùng ông Minh tại Vĩnh Phúc). Năm 2019, thấy sức khỏe bất ổn nên ông Minh viết di chúc để lại toàn bộ nhà đất cho con trai, sau đó đem đi công chứng. Nhưng gần đây, chị Yến có tác động khiến ông Minh thay đổi quan điểm, muốn chuyển hết tài sản cho chị Yến thừa kế. Điều này có hợp lệ hay không, nếu có thì thủ tục hủy bỏ/sửa đổi di chúc đã công chứng như thế nào?
1. Có thể thay đổi nội dung di chúc đã công chứng
Tư vấn về trường hợp của ông Minh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) – Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Theo Khoản 1 Điều 634 Bộ luật dân sự năm 2015, di chúc chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế, tức là khi người để lại di sản qua đời. Trường hợp di chúc của chung vợ và chồng thì di chúc chỉ có hiệu lực khi người cuối cùng trong hai vợ chồng qua đời. Do hiện tại ông Minh vẫn còn sống khỏe mạnh nên dù trước đó đã viết di chúc để lại nhà, đất cho anh Trí nhưng chú Minh vẫn đang là chủ sở hữu hợp pháp đối với khối tài sản này”.
Mặt khác, Khoản 1 Điều 640 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào”. Khoản 3 Điều 58 Luật Công chứng năm 2014 cũng quy định rõ: “Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chức biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó”.
Như vậy, nếu ông Minh vẫn còn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn thì có thể sửa đổi, hủy bỏ, bổ sung vào di chúc bất cứ lúc nào để đảm bảo tài sản của mình được phân chia thừa kế theo đúng nguyện vọng. Tuy nhiên, việc sửa đổi di chúc cũng phải đáp ứng một số điều kiện như: Người lập di chúc tiến hành sửa đổi nội dung di chúc trong tình trạng minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép và phù hợp với hình thức lập di chúc ban đầu…
2. Thủ tục sửa đổi nội dung di chúc đã công chứng
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Để công chứng sửa đổi, bổ sung nội dung di chúc cũ, ông Minh cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các giấy tờ chính như:
– Bản sao các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân
– Bản sao sổ đỏ, sổ hồng nhà đất
– Di chúc cũ cần sửa đổi, bổ sung
– Phiếu yêu cầu công chứng.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người yêu cầu công chứng (ở đây là ông Minh) cần hoàn thiện hồ sơ nói trên và đem nộp trực tiếp tại tổ chức hành nghề công chứng (Phòng chông chứng/Văn phòng công chứng) trong giờ hành chính. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, công chứng viên sẽ tiếp nhận và ghi vào sổ công chứng. Trường hợp hồ sơ không đủ cơ sở pháp luật để giải quyết, công chứng viên có trách nhiệm giải thích rõ lý do và từ chối tiếp nhận.
Về nội dung di chúc mới, ông Minh có thể tự soạn trước và nộp bản dự thảo này cho công chứng viên kiểm tra xem nội dung có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không. Nếu không chuẩn bị bản dự thảo từ trước, ông Minh có thể đề nghị công chứng viên soạn giúp, sau đó chỉ cần ký xác nhận vào từng trang của di chúc mới.
Bước 3: Công chứng
Công chứng viên ghi lời chứng, ký vào từng trang của văn bản đã soạn thảo.
Bước 4: Trả kết quả
Công chứng viên hoàn tất việc thu lệ phí, thù lao của tổ chức hành nghề công chứng, sau đó trả kết quả cho người yêu cầu công chứng. Lưu ý, thời hạn giải quyết hồ sơ yêu cầu công chứng sửa đổi di chúc là không quá 02 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Có thể bạn quan tâm:
- Tìm hiểu đất xen kẹt là gì? Đất xen kẹt có được cấp sổ đỏ không?
- Kê khai sai giá chuyển nhượng nhà đất có bị cấu thành tội trốn thuế?
Theo ThanhnienViet