Anh Văn (trú tại Bình Dương) mua một mảnh đất của ông B vào tháng 1/2020. Hợp đồng mua bán được viết giấy tay, không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên đến nay, người bán là ông B vẫn trốn tránh không giao đất cũng không trả lại tiền cho anh Văn. Hợp đồng viết tay khi đó có giá trị pháp lý hay không và anh Văn nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Thắc mắc của anh Văn được Luật Thái An trả lời như sau:
1. Cơ sở pháp lý để trả lời câu hỏi
Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề này là các văn bản pháp luật sau đây:
• Bộ luật dân sự 2015.
• Luật Đất đai 2013.
2. Hợp đồng mua bán đất bằng giấy viết tay có giá trị pháp lý không?
Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường. Việc anh Văn giao dịch, mua bán đất đai chỉ bằng giấy tờ viết tay là rất thiếu thận trọng, hậu quả của việc giao dịch đó là có thể dẫn đến thua thiệt. Việc xử lý hậu quả cũng rất phức tạp, nếu hai bên mua và bán không thể thỏa thuận được với nhau thì phải đưa ra Tòa án giải quyết.
3. Xử lý hợp đồng mua bán đất bằng giấy viết tay như thế nào?
Trường hợp của anh Văn là hợp đồng viết giấy tay, chưa được công chứng hoặc chứng thực thì phải xét đến việc hiện tại anh Văn đã hoàn thành nghĩa vụ trả tiền đến đâu. Có 2 trường hợp như sau:
- Nếu anh Văn trả chưa đủ mức 2/3 nghĩa vụ thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán đất bằng giấy tay vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức. Khi đó các bên có nghĩa vụ trao trả cho nhau những gì đã nhận và ông B sẽ phải trả lại tiền cho anh Văn.
- Nếu anh Văn đã trả đủ số tiền cho ông B hoặc trả tiền đủ từ 2/3 giá trị tiền thỏa thuận theo hợp đồng thì anh Văn có quyền yêu cầu Tòa án công nhận giao dịch hợp pháp theo quy định tại khoản 2 điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015. Khi đó, ông B buộc phải thực hiện nghĩa vụ giao đất cho anh Văn.
Tư vấn bởi: Luật Thái An