Tin số 1: Năm 2023, dòng tiền lớn sẽ đổ mạnh vào bất động sản?
Bước sang năm 2023, giới chuyên gia và đầu tư kỳ vọng về dòng vốn mới sẽ đổ bộ vào thị trường, giúp xoá đi gam màu trầm đang bao phủ.
Ông Trần Kim Chung – Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, năm 2023, triển vọng dòng tiền đổ vào thị trường địa ốc khả quan.
Đầu tiên, theo ông Chung, tín dụng tốt hơn 2022. Dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt, tích cực, bằng nhiều giải pháp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, một số chỉ tiêu vĩ mô đã có những dấu hiệu rất tích cực. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét và quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023. Quyết định mới nhất việc nới hạn mức (room) tín dụng thêm 1,5-2%, sẽ có 240.000 tỉ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế kể từ nay đến hết năm.
Thứ hai, ông Chung nhận định, trái phiếu sẽ dần phục hồi.
Thứ ba, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn có nhiều triển vọng gia tăng. Hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi. Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.
Thứ tư, nguồn vốn đầu tư công cam kết tăng mạnh. Theo ông Chung, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội. Áp lực lớn, nhưng nếu thực thi hiệu quả, sẽ tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế.
Thứ năm, vị chuyên gia này cho rằng, với các nguồn vốn khác về cơ bản, không có biến động mạnh và ở mức ổn định như năm 2022: Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vượt qua thời điểm khó khăn, phải điều chỉnh bị động năm 2022; các nhà đầu tư tiềm năng vẫn ổn định; kiều hối tiếp tục ổn định; các luồng tiền phái sinh tiếp tục xuất hiện, phục hồi cùng với đà phục hồi kinh tế sau COVID-19.
Link tin số 1: Năm 2023, dòng tiền lớn sẽ đổ mạnh vào bất động sản?
Tin số 2: Nhìn lại hai đợt tăng lãi suất trong năm 2022
Trước sức nóng của đồng USD trên thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những hành động quyết liệt để kiểm soát lạm phát và cân bằng tỷ giá.
Khi Ngân hàng nhà nước tiến hành thắt chặt tiền tệ, tức là tăng lãi suất cơ bản, các ngân hàng thương mại cũng sẽ tăng lãi suất cho vay. Và đương nhiên, điều này làm nhu cầu về tiền giảm xuống. Thay vì đi vay hoặc dùng tiền, người dân có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng để được hưởng lãi suất cao. Nhu cầu tiêu dùng trở nên thấp, dẫn đến việc giảm nguy cơ tăng giá hàng hóa. Lượng tiền lưu thông trên thị trường cũng giảm theo, ảnh hưởng tích cực đến đồng tiền của quốc gia.
Thông thường, theo quy luật của thị trường, chỉ số lạm phát phải nhỏ hơn lãi suất tiền gửi.
Theo đó, ngày 22/9/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lần đầu tiên tăng lãi suất điều hành trong năm, với lãi suất tái cấp vốn từ 4,0% tăng lên 5,0% và lãi suất chiết khấu từ 2,5% tăng lên 3,5%
Tiếp sau đó, ngày 25/10/2022, NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm
Bên cạnh đó, NHNN cũng điều chỉnh tăng các mức trần lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; tiền gửi kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng từ 5,0% lên 6,0%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, mức tăng 2 lần, mỗi lần 1% như các bước điều chỉnh trước đây, đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch là phù hợp với xu hướng của toàn cầu. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương lớn như Fed đã tăng lãi suất 6 lần trong năm 2022 với tổng mức tăng là 3,75%, đưa lãi suất về mức gấp đôi so với trước dịch. Như vậy lãi suất tăng là hợp lý để kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ổn định tỷ giá
Link tin số 2: Nhìn lại hai đợt tăng lãi suất trong năm 2022
Tin số 3: Thị trường nhà đất TP.HCM: Người mua và nhà đầu tư đều chờ đợi
Trong quý 4-2022, thị trường nhà đất tại TP.HCM chỉ ghi nhận gần 1.100 căn hộ được mở bán mới, giảm 74% so với lượng mở bán mới quý trước, và chỉ chiếm 6,5% tổng nguồn cung cả năm 2022.
Việc Chính phủ rà soát phát hành trái phiếu cùng chính sách kiểm soát tín dụng thắt chặt đã phần nào tạo nên tâm lý dè chừng của người mua và chủ đầu tư trong thị trường nhà đất những tháng vừa qua.
Nhìn chung trong năm nay thị trường bất động sản phục hồi nhẹ sau khoảng thời gian tạm dừng năm 2021 do COVID-19.
Trong năm 2022, thị trường căn hộ TP.HCM ghi nhận tổng cộng 17.028 căn chào bán, tăng 87% so với năm 2021. Riêng trong quý 4-2022, doanh số bán mới đạt 983 căn, giảm 76% so với quý trước.
Giá bán sơ cấp (giá bán của chủ đầu tư) trung bình trong quý 4-2022 tăng 21% so với quý trước, khoảng 3.400 USD/m2 (khoảng 80 triệu đồng).
Mức tăng này chủ yếu nhờ các đợt mở bán mới từ các dự án siêu sang, hạng sang và cao cấp như The Opusk Residence Thủ Thiêm (Metropole Thủ Thiêm giai đoạn 4), De La Sol và Zeit River Thủ Thiêm…
Điểm đáng chú ý là các yếu tố sức khỏe bắt đầu được chú trọng trong thiết kế ý tưởng dự án và căn hộ với nhiều không gian xanh, sự thông thoáng và công nghệ hiện đại giúp nâng cao tiêu chuẩn môi trường sống.
Về chính sách thanh toán, với tình hình thắt chặt tín dụng, nhiều chính sách thanh toán nhắm đến nhóm khách hàng có tiền mặt trong tay, chủ yếu ưu tiên thanh toán nhanh với chiết khấu cao và nhiều ưu đãi.
Về thị trường nhà liền thổ TP.HCM, trong năm 2022 nguồn cung mới đạt 1.200 căn, tăng 12% theo năm do thị trường phục hồi so với năm 2021 trầm lắng vì COVID-19.
Trong khi đó, lượng căn bán giảm 3% do tâm lý thị trường chững lại và người mua do dự trong bối cảnh bất định.
Theo dữ liệu của Cushman & Wakefield, giá bán sơ cấp giảm nhẹ 0,2% theo quý do một số dự án đưa ra chính sách chiết khấu, nhưng giá vẫn tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước vì nguồn cung chủ yếu đến từ phân khúc cao cấp ở các vị trí đắc địa.
Link tin số 3: Thị trường nhà đất TP.HCM: Người mua và nhà đầu tư đều chờ đợi
Tin số 4: Thị trường bất động sản nhen nhóm điểm sáng
Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, song lực cầu mạnh là điểm sáng. Theo đó, chuyên gia cho rằng, phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu thực sẽ “sống khỏe”.
Thị trường bất động sản cuối năm vẫn duy trì nhịp độ ảm đạm, một số phân khúc có tính đầu cơ cao như liền kề, biệt thự, đất nền tỉnh lẻ đang có sự điều chỉnh. Song, các phân khúc phục vụ nhu cầu thực được nhận định sẽ vẫn có sự tăng trưởng nhờ lực cầu mạnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết lực cầu hiện là điểm sáng nhất của thị trường bất động sản. Lực cầu bất động sản hiện tại rất mạnh bởi kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và đầu tư công về hạ tầng cũng đang tăng trưởng mạnh nhất các thời kỳ.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm như hiện tại, ông Đính khuyến nghị các chủ đầu tư cố gắng đưa ra những chính sách phát triển hướng tới sản phẩm phù hợp nhu cầu người dân. Hiện nay, thị trường tuy khan hiếm nguồn cung nhưng vẫn có hàng tồn kho lại thuộc phân khúc cao cấp. Để tăng thanh khoản, các chủ đầu tư cần căn chỉnh lại những sản phẩm tung ra thị trường.
Đưa ra dự báo phân khúc bất động sản sẽ tăng trưởng trong năm 2023, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, phân khúc bất động sản cao cấp dự kiến sẽ là một trong những kênh đầu tư trung và dài hạn đầy tiềm năng. Bởi tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á với 1,4 triệu người tăng thêm mỗi năm.
Ông Thanh cho rằng, thị trường bất động sản cuối năm và nửa đầu năm 2023 sẽ vẫn ghi nhận xu hướng tăng giá bán với loại hình bất động sản nhà ở. Tại Hà Nội, điểm sáng là khu vực phía Đông khi quy hoạch hạ tầng ngày càng phát triển, các dự án nhà ở được đầu tư đồng bộ, nhiều tiện ích, all in one…đáp ứng nhu cầu của người dân. Ở góc độ ngắn hạn, phân khúc bình dân và trung cấp sẽ được quan tâm và phát triển mạnh mẽ bởi đây là phân khúc vẫn luôn có nhu cầu cao trên thị trường.
Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, thị trường bất động sản dù biến động, xuất hiện tình trạng giảm giá bán ở nhiều sản phẩm nhưng căn hộ chung cư vẫn là ngoại lệ.
Theo ông Hiệp, phân khúc chung cư khó ghi nhận hiệp tượng giảm giá, bởi thị trường bất động sản giai đoạn 2022 – 2023 rất khác so với cơn khủng hoảng thị trường 10 năm trước.
Link tin số 4: Thị trường bất động sản nhen nhóm điểm sáng