Được coi là cứu cánh cho sự bùng nổ về nhu cầu nhà ở ở các nước châu Âu thời kỳ công nghiệp hóa sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, thiết kế nhà ở modul về nhà ở tiền chế đã trở thành một trào lưu “thịnh vượng’. Với các tiêu chí giá thành rẻ, sản xuất nhanh, loại hình nhà ở này đã góp công đáng kể cho kế hoạch công nghiệp hóa sản xuất nhà ở các nước phương Tây thời gian này. Có rất nhiều nghiên cứu bài bản về kiến trúc, mẫu nhà ở, phương thức thi công tạo nên những công trình nhà ở đại trà là bài học kinh nghiệm cho việc phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Sự bùng nổ nhà modul ở châu Âu
Tại Pháp và châu Âu sau chiến tranh thế giới lần II, nhu cầu về nhà ở của người dân được đặt lên hàng đầu ngang với công cuộc khôi phục lại các hoạt động kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, đòi hỏi phải có một chiến lược cụ thể và xây dựng một ngành công nghiệp xây dựng nhà ở đáp ứng yêu cầu nhanh, xây dựng hàng loạt và đảm bảo tiêu chuẩn ở tối thiểu cho mọi người. Tại Pháp từ năm 1947, Bộ tái thiết và quy hoạch liên tục tổ chức các cuộc thi với mục đích hiện thực hóa công nghiệp xây dựng nhà ở. Sau đó một năm, năm 1948 Pháp khởi động chương trình công nghiệp hóa xây dựng nhà ở dựa trên kết quả lựa chọn những nghiên cứu, ứng dụng, phương pháp xây dựng mới rút ra từ các cuộc thi trước đó.
Nếu trước những năm 1950, ngành xây dựng của Pháp chỉ xây dựng được khoảng 10.000 đến 17.000 căn hộ một năm nhờ quá trình công nghiệp hóa xây dựng thì trong 20 năm, từ 1950 đến 1970 Pháp đã xây dựng được hơn 6 triệu căn hộ với tốc độ 300.000 căn hộ/năm. Không chỉ đạt mức độ và tốc độ xây dựng nhanh chóng, chất lượng sống và chất lượng xây dựng cũng được đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng lâu dài của đại đa số người dân (so sánh với chất lượng nhà ở chung cư tại Pháp trước và ngay sau chiến tranh với một nửa số căn hộ không có nước nóng, ¾ không có vệ sinh, 90% không có nhà tắm riêng và hơn 350.000 khu ổ chuột trên cả nước).
Kết quả và kinh nghiêm công cuộc công nghiệp hóa xây dựng nhà ở tại Pháp đã được học hỏi và áp dụng khắp châu Âu, trong đó có Liên bang Xô Viết cũ. Để thành công trong công cuộc công nghiệp hóa ngành xây dựng nhà ở, cần có sự chung tay của tất cả các ngành liên quan từ kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, công nghiệp sản xuất và kinh tế. Đặc biệt là có sự hỗ trợ và các chính sách đặc biệt của Nhà nước. Việc nghiên cứu sản xuất và xây dựng nhà hàng loạt đã được nghiên cứu và áp dụng từ những năm đầu thể kỷ 20 trên khắp nơi ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản bởi các kiến trúc sư nổi tiếng như Le Corbusier, Wachsmann, Water Van Gropius, Rudolf Schindler, Kurokawa, John Utzon…
Mục đích và kết quả nghiên cứu của các kiến trúc sư nhằm đưa ra và hệ thống hóa, modul hóa các không gian ở thông qua hệ thống các bước trục kết cấu không gian, các cấu kiện bao che, giao thông. Việc hệ thống và modul hóa nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt trong nhà máy, một bước quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa sản xuất xây dựng nhà ở. Nhưng do nhiều nguyên nhân và các yếu tố liên quan, tất cả các thiết kế modul nhà vào thời điểm trên chưa thực sự được áp dụng để tạo một khởi đầu cho công nghiệp hóa ngành xây dựng nhà ở.
Modul, kích thước tiêu chuẩn là yếu tố quyết định để công nghiệp hóa xây dựng nhà ở. Năm 1969, kiến trúc sư Đan Mạch Jorn Utzon đưa ra modul kinh tế theo bước cột theo modul: 4 x 3m / 3 x 2,4m / 2,4×1,8m. Việc nghiên cứu các bước trục và modul cấu kiện dự trên yêu cầu về tiêu chuẩn hóa không gian ở, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước nhưng đồng thời phải linh hoạt trong việc tạo các không gian với nhiều mục đích sử dụng khác nhau.
Ví dụ: Để đảm bảo tính toán tiết kiệm chi phí sản xuất và xây dựng, đồng thời tuân thủ những yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sử dụng châu Âu và Pháp. Các bước trục hay các cấu kiện được tính toán dựa trên kích thước 1,35m (là chiều rộng tính cả khung của một cửa sổ trên mặt đứng của căn hộ). Từ kích thước trên, ta có những kích thước khác như sau:
+1,35 x2=2,7m: Với modul 2,7m là chiều ngang quy định cho một chỗ đỗ xe ô tô (theo tiêu chuẩn của Pháp một chỗ đỗ xe là 2,5 x5m).
+1,35 x2 x2=5,4m: Với modul 5,4 chúng ta có hai chỗ đỗ xe ô tô. Đồng thời, theo tiêu chuẩn về diện tích các không gian sử dụng (phòng khách, phòng ngủ, bếp…) ta có thể thấy: với bước trục kết cấu là 5,4, ta sẽ có 2 x2,7m =5,4m tương đương với hai phòng ngủ có diện tích 2,7 x5,4m; 5,4m=2,1+3,3m: tương đương với một phòng bếp có diện tích; 2,1 x5,4m và một phòng khách với diện tích 3,3 x5,4m.
Chiều cao không gian sử dụng cũng đưa tính toán thiết kế một cách linh hoạt. Ví dụ tại Pháp quy định chiều cao thông thủy trong các phòng trong nhà không được nhỏ hơn 2,7m. Nhưng tại Thụy Sĩ là 2,3m.
Để thực hiện công nghiệp hóa xây dựng nhà ở, đòi hỏi sự kết hợp của tất cả các nghành công nghiệp sản xuất phụ trợ liên quan đến xây dựng và hoàn thiện, sự kết hợp của nhiều ngành kinh tế liên quan và đặc biệt là sự hỗ trợ, quản lý và điều hành từ các cơ quan Nhà nước. Ngành công nghiệp sản xuất xây dựng phải được định hướng phát triển như là một ngành công nghiệp nặng của quốc gia. Các cơ quan chuyên trách riêng được thành lập để quản lý và điều hành quá trình trên. Bên cạnh đó Nhà nước ban hành nhiều điều luật quy định hỗ trợ trực tiếp cho các ngành, lĩnh vực kinh tế, công ty có hoạt động liên quan đến công nghiệp hóa xây dựng nhà ở.
Sự chững lại của mô hình nhà ở modul ở Châu Âu
Tại Pháp, quá trình công nghiệp hóa sản xuất xây dựng nhà ở xã hội thể hiện qua nhiều dự án xây dựng nhà ở xã hội hàng loạt tạo nên những khu ở hay khu nhà ở xã hội lớn – Gand ensemble. Trong hơn 20 năm từ 1950 đến 1970 khoảng 6 triệu căn hộ nhà ở xã hội đã được sản xuất và xây dựng đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân Pháp trong giai đoạn khôi phục đất nước sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nhưng đến năm 1973, một đạo luật mới về quy hoạch và xây dựng ra đời. Không cấp phép xây dựng các khu chung cư lớn và nhiều hơn 500 đơn vị ở (đơn nguyên). Điều chỉnh luật này chấm dứt quá trình bùng nổ xây dựng và áp dụng kỹ thuật xây dựng nhà ở lắp ghép hàng loạt tại Pháp.
Liệu đây có phải là sự kết thúc của nền công nghiệp sản xuất và xây dựng nhà ở và đâu là lý do. Đầu những năm 1970 của thế kỷ trước, cuộc khủng hoảng năng lượng (dầu mỏ) đầu tiên xảy ra trên thế giới tác động mạnh và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị. Nhu cầu về tiết kiệm năng lượng, tìm nguồn năng lượng mới thay thế và bền vững trở nên cấp thiết và đặt ra những quy chuẩn mới trong mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Những khu nhà ở xã hội được xây dựng trong quá trình công nghiệp hóa sản xuất xây dựng nhà ở xã hội bộc lộ những điểm yếu kém của mình. Sau hơn 20 năm tồn tại, cùng với sự xuống cấp về chất lượng xây dựng, sự phát triển của dân số và những nhu cầu ở mới trong cuộc sống. Những khu nhà ở xã hội trở nên quá tải về mật độ dân số, là tâm điểm của sự lãng phí hay quá tải về tiêu thụ năng lượng cũng như ảnh hưởng ngược lại từ hoạt động sống của dân cư đến quy hoạch chung của đô thị cũng như hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Cùng lúc, nhiều chương trình nhà ở xã hội mới được xây dựng dựa trên những quy định mới và tiêu chuẩn sống mới, kỹ thuật xây dựng và vật liệu mới khiến cho nhược điểm của những khu nhà ở xã hội xây dựng lắp ghép lớn càng bộc lộ rõ. Phương pháp sản xuất và xây dựng nhà lắp ghép, đặc trưng của nền công nghiệp xây dựng nhà ở, cũng không còn được sử dụng rộng rãi.
Bài học thực tiễn từ mô hình nhà ở modul ở châu Âu
Qua quá trình phát triển từ những năm 50 đến nhưng năm 70 tại Pháp và châu Âu, những năm 80 tại Liên Xô cũ, nền công nghiệp sản xuất xây dựng nhà ở xã hội dựa trên phương pháp sản xuất xây dựng lắp ghép với vật liệu chính là bê tông cốt thép bộc lộ những ưu điểm và hạn chế sau:
Ưu điểm: Rút ngắn thời gian thi công và giảm giá thành xây dựng; Đáp ứng yêu cầu xây dựng nhanh và nhiều trong thời gian ngắn; Đảm bảo tiện nghi và chất lượng sống cho đại đa số người dân; Đảm bảo chất lượng xây dựng công trình bền vững, thời gian sử dụng lâu dài; Thúc đẩy và phát triển nhiều ngành công nghiệp sản xuất phụ trợ phục vụ xây dựng nhà ở; Tạo điều kiện và góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Hạn chế: Tính thẩm mỹ trong kiến trúc bị hạn chế; Tạo nên những khu ở lớn với mật độ dân cư cao; Thiết kế đảm bảo nhu cầu sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định do khó thay đổi hay cải tạo để đáp ứng những nhu cầu mới; Khó nâng cấp và sữa chữa; ảnh hưởng trực tiếp đến những định hướng phát triển quy hoạch trong tương lai với tầm nhìn trên 20 năm; Những yếu tố và điều kiện để thực hiện thành công công nghiệp hóa xây dựng nhà ở theo phương pháp sản xuất xây dựng lắp ghép.
- Phải có một chương trình phát triển và nhu cầu về nhà ở xã hội lớn đủ để làm tiền đề kinh tế đầu tư phát triển các nghành công nghiệp liên quan.
- Đòi hỏi sự kết hợp của nhiều ngành kinh tế, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp xây dựng toàn xã hội.
- Công nghiệp xây dựng phải được coi là một nghành công nghiệp nặng.
- Phải có một bộ máy chuyên nghiệp và đầy đủ chuyên môn để quản lý và điều hành riêng.
- Đặc biệt phải được Nhà nước hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tốt nhất trong quản lý, đầu tư và xây dựng.
Tìm hiểu về phong cách Loft trong thiết kế nội thất
Xây dựng mô-đun: Giải pháp lâu dài trong cuộc khủng hoảng nhà ở giá rẻ?
ThS.KTS Đoàn Hữu Bảo Anh – Công ty Group 8 Asia
Nguồn ảnh: Internet
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 4/2013