Trong thiết kế nội thất, phong cách Loft không quá phổ biến và thịnh hành nhưng đây là phong cách được đánh giá cao về sự phá cách và gây ấn tượng thị giác ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chân thật, phóng khoáng, mạnh mẽ là những từ dùng để miêu tả về nội thất Loft.
Phong cách Loft và phong cách công nghiệp trong thiết kế nội thất có những điểm tương đồng nhất định. Loft được ví như một phiên bản hiện đại hơn của Industrial style. Nếu như thiết kế công nghiệp dành cho những người yêu thích tự do và hoài cổ thì nội thất Loft dành cho gia chủ yêu sự phóng khoáng, tiện nghi, sang trọng và cả công nghệ. Có thể nói, đây là những phong cách thiết kế nhà dành cho gia chủ có tâm hồn nghệ sĩ.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu những đặc trưng cơ bản nhất về màu sắc, chất liệu, ánh sáng, trang trí… – những thứ làm nên “hồn cốt” của phong cách nội thất Loft.
Nguồn gốc hình thành phong cách Loft
Phong cách nội thất Loft ra đời từ những năm đầu thế kỷ XX, tại New York (Mỹ). Lúc bấy giờ, thành phố này tập trung nhiều người vô gia cư nên vấn đề về chỗ ở rất khó khăn. Do đó, họ tìm tới các nhà máy hoặc công xưởng cũ rồi cải tạo lại thành không gian nhà để ở. Phong cách Loft ra đời chính trong quá trình quy hoạch, cải tạo lại các kho, xưởng cũ.
Với bối cảnh ra đời đó, phong cách Loft và Industrial có những điểm tương đồng trong thiết kế và bài trí nội thất là điều dễ hiểu. Ngày nay, phong cách này được hiểu đơn giản là sự kết hợp giữa cái cũ và cái mới, giữa những vật liệu hiện đại như máy móc, kim loại với một số món đồ nội thất như sofa da cũ, rương chứa đồ mang hơi hướng hoài cổ.
Theo thời gian, nội thất Loft dần trở thành trào lưu phổ biến, thậm chí đã tạo nên cơn sốt mới trong những năm giữa thế kỷ XX. Đây là phong cách nội thất đặc biệt phù hợp với những người có tâm hồn nghệ sĩ, ưa chuộng sự tự do, phóng khoáng, mong muốn tạo dấu ấn riêng biệt, độc đáo cho không gian sống của mình.
7 đặc trưng cơ bản của phong cách nội thất Loft
Tại Việt Nam, phong cách nội thất Loft hẳn vẫn còn mới mẻ với rất nhiều người. Có thể bạn chưa hình dung được về màu sắc, chất liệu, đồ nội thất hay phụ kiện trang trí mà phong cách này sử dụng. Thế nên, nếu muốn thiết kế nhà theo phong cách trên, bạn cần nắm rõ những đặc trưng cơ bản sau đây:
Bảng màu đơn sắc
Phong cách nội thất Loft luôn sử dụng và hướng tới những tông màu đơn sắc làm phông nền chủ đạo. Đó sẽ là màu tường, trần hoặc sàn nhà. Bảng màu đơn sắc sẽ làm nổi bật nội thất điểm nhấn của ngôi nhà. Cụ thể, những màu sắc tạo nên phông nền trung tính hoàn hảo gồm màu trắng, nâu nhạt hoặc ghi, xám kết hợp. Trong đó, gam màu trắng được ưu ái nhất, chiếm phần lớn không gian nhằm tạo cảm giác rộng rãi, thoáng đãng hơn.
Dĩ nhiên, nếu ngôi nhà chỉ toàn màu trung tính sẽ gây cảm giác đơn điệu, thậm chí có phần lạnh lẽo. Phong cách Loft vì thế sẽ sử dụng màu nhấn (xanh lá, xanh dương, đỏ, tím, vàng chanh…) từ đồ nội thất chính như sofa, tủ kệ hoặc phụ kiện trang trí gồm gối tựa, rèm cửa, thảm trải, đèn chùm… Cây xanh, bình hoa cũng là những chi tiết không thể thiếu để tạo nên không gian sống sinh động, tươi mới và tràn đầy năng lượng.
Chuộng chất liệu tự nhiên
Một đặc trưng nổi bật khác của phong cách Loft là luôn hướng tới các dòng vật liệu, chất liệu tự nhiên. Đặc điểm này tạo nên một không gian sống thân thiện với môi trường, gia tăng cảm giác ấm áp, gần gũi cho các thành viên gia đình. Minh chứng là, sàn nhà hay các đồ nội thất chính (bàn ghế, giường, tủ) đều được làm từ chất liệu gỗ mộc mạc, còn nguyên đường vân gỗ tự nhiên. Trong khi đó, nệm bọc ghế sofa, ga gối, thảm trải, rèm cửa chủ yếu được làm từ vải sợi.
Bên cạnh đó, phong cách nội thất này còn sử dụng linh hoạt, kết hợp khéo léo giữa các vật liệu truyền thống và hiện đại như gạch, đá, bê tông, kính, nhựa trong suốt, giả da… Với bất kỳ vật liệu nào, gia chủ cũng nên phối kết ăn ý giữa chức năng sử dụng, tính thẩm mỹ và sự hài hòa với tổng thể chung của công trình.
Sáng tạo, cởi mở trong thiết kế
Phong cách nội thất Loft luôn luôn hướng đến và đề cao sự cởi mở, phóng khoáng trong thiết kế nhà ở. Theo đó, trong một ngôi nhà hoặc căn phòng được bài trí theo phong cách này, bạn sẽ bắt gặp sự hiện diện của đường ống, đường dây, trần/tường bê tông thô mộc, trần trụi một cách tự nhiên, tạo điểm nhấn cho không gian. Tất cả đều được thiết kế một cách đầy dụng ý và tinh tế, không hề tạo cảm giác bừa bộn, nhếch nhác.
Đáng chú ý, những mảng tường gạch thô không trát vữa được xem là điểm nhấn ấn tượng nhất, thể hiện phong cách giản dị, cởi mở của gia chủ. Đặc điểm này thường được ứng dụng trong phòng khách hoặc phòng làm việc. Bức tường gạch đỏ vừa tạo cảm giác thân thiện, gần gũi vừa có thể trở thành phông nền lý tưởng để nội thất, phụ kiện màu sắc trung tính thêm phần nổi bật.
Với phong cách Loft, hầu hết đồ nội thất đều được thiết kế theo xu hướng phải toát lên vẻ đẹp hiện đại, cá tính nhưng vẫn phảng phất chút truyền thống, hoài cổ. Đây cũng chính là lý do làm nên sức hút của nội thất Loft – vốn rất được giới nghệ sĩ có tâm hồn tự do, phóng khoáng ưa chuộng. Họ có thể dựa trên những nét đặc trưng cơ bản của thiết kế nội thất Loft để thay đổi, sáng tạo cho mình một căn phòng mang đậm dấu ấn cá nhân.
Linh hoạt trong phân vùng và chuyển đổi
Một đặc trưng cơ bản của phong cách Loft trong thiết kế nội thất là sự chuyển đổi linh hoạt, dễ dàng giữa các khu vực chức năng trong nhà. Điều này có ý nghĩa rất lớn, góp phần mang đến không gian sống đa năng, đa tiện ích hơn đối với nhà phố, căn hộ chung cư nhỏ hẹp tại các đô thị hiện nay.
Chẳng hạn, trong một căn hộ studio có diện tích khiêm tốn, không gian sinh hoạt giống như một căn phòng lớn nhưng vẫn có sự phân tách tương đối giữa khu vực tiếp khách, ngủ nghỉ, bếp nấu, góc ăn uống… Khi đêm xuống, sofa gấp ở phòng khách có thể trở thành giường ngủ thoải mái. Phòng ăn có thể chuyển đổi thành góc làm việc tại nhà tiện dụng. Gần kệ sách là khu vực lý tưởng để bài trí chỗ ngồi đọc sách với ghế dài, ghế bành hoặc ghế treo tùy thích và có thể chuyển đổi tùy thuộc vào vị trí ngồi.
Tính đối xứng
Phong cách Loft thể hiện rõ nét tính đối xứng trong thiết kế nội thất. Tính đối xứng được hiểu đơn giản là một không gian được chia đều cho hai bên. Và khi bạn nhìn vào một bên thì sẽ biết được bên còn lại sẽ như thế nào. Bố cục này tạo nên sự cân đối, hài hòa, tính thẩm mỹ cao cho tổng thể căn phòng. Bố cục nội thất đối xứng có thể được áp dụng cho tất cả các phòng trong nhà, từ phòng khách đến phòng ngủ, phòng gia đình, đặc biệt là phòng ăn và nhà bếp.
Lưu ý, vì một nửa không gian được lặp lại i nguyên nên rất dễ khiến căn phòng rơi vào trạng thái đơn điệu, thậm chí là nhàm chán. Do đó, bạn cần tinh tế, khéo léo hơn trong việc lựa chọn phụ kiện trang trí để tạo điểm nhấn.
Cửa sổ rộng lớn
Tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên luôn là yếu tố mà thiết kế nội thất Loft hướng đến. Loại ánh sáng này sẽ giúp căn phòng thoáng đãng, sạch sẽ, sống động và tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Muốn vậy, ngoài cửa chính, kiến trúc sẽ chú trọng thiết kế những khung cửa sổ rộng lớn làm bằng chất liệu kính trong suốt, cho phép ánh sáng tự nhiên lan tỏa khắp không gian nhà, len lỏi đến từng ngóc ngách nhỏ nhất.
Sự hiện diện của những ô cửa sổ kính lớn không chỉ giúp gia chủ có thể tận hưởng được bầu không khí trong lành, những tia nắng dịu ngọt mỗi sớm mai mà còn trở thành điểm nhấn trang trí sinh động khi phản chiếu khung cảnh thiên nhiên xanh mát bên ngoài. Từ đó tạo thành “bức tranh” phong cảnh ấn tượng cho bất kỳ phòng nào trong nhà bạn.
Nội thất di động
Phong cách Loft chuộng sử dụng những món đồ nội thất có tính di động cao. Chúng thường được sắp xếp theo nhiều cấu hình khác nhau, đồng thời có thể di chuyển xung quanh phòng tùy nhu cầu và sở thích của gia chủ. Đây chính là sự linh hoạt trong thiết kế – một đặc điểm khác biệt so với các phong cách nội thất khác đang được ứng dụng rộng rãi hiện nay. Nội thất di động không chỉ giúp mang lại cho bạn nhiều tiện ích hơn mà còn góp phần tiết kiệm diện tích, không gian và cả kinh phí đầu tư.
Theo đó, đồ nội thất có gắn bánh xe hoặc nội thất kiểu mô đun luôn được ưu tiên lựa chọn hàng đầu khi thiết kế nhà theo phong cách Loft. Chẳng hạn, trong phòng bếp, bạn có thể sử dụng bàn đảo nhỏ có gắn bánh xe để dễ dàng di chuyển, nhường mặt sàn rộng rãi cho các hoạt động khác. Hay như một kệ gỗ/kim loại mini đựng thức uống, đồ ăn nhẹ có gắn bánh xe di chuyển tới bất kỳ nơi nào bạn muốn, từ phòng khách, phòng ăn đến phòng ngủ, thậm chí là cả phòng tắm nếu cần.
Như vậy, với những thông tin mà Dothi.net chia sẻ trên đây, hẳn bạn đọc đã nắm được những đặc trưng cơ bản nhất của phong cách Loft trong thiết kế nội thất. Nếu bạn mong muốn sở hữu một không gian sống cởi mở, phóng khoáng và tràn đầy cảm hứng thì phong cách này là lựa chọn hoàn hảo.
Theo ThanhnienViet