Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thường gọi là sổ đỏ) rất gần gũi với mọi người. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người lại lầm tưởng về nó. Cụ thể như sau:
1. Lầm tưởng ‘sổ đỏ là một loại tài sản’
Thực tế, nhiều người cho cho rằng sổ đỏ là một loại tài sản; tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì không phải là vậy.
Theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Đồng thời, tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, sổ đỏ là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Căn cứ vào các quy định nêu trên thì sổ đỏ không phải là tài sản mà là chứng thư pháp lý.
2. Lầm tưởng ‘có sổ đỏ trong tay chỉ được thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng’
Căn cứ Điều 35 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, cho phép việc thế chấp và nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là ngân hàng.
Cụ thể, việc nhận thế chấp của cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Bên nhận thế chấp là tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, cá nhân là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
– Việc nhận thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không vi phạm điều cấm của Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác liên quan, không trái đạo đức xã hội trong quan hệ hợp đồng về dự án đầu tư, xây dựng, thuê, thuê khoán, dịch vụ, giao dịch khác.
– Trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bao gồm trả tiền lãi thì lãi suất phát sinh do chậm trả tiền, lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi chưa trả hoặc lãi, lãi suất khác áp dụng không được vượt quá giới hạn thỏa thuận về lãi, lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357, khoản 5 Điều 466 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp có thỏa thuận về việc xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên có nghĩa vụ và không có quy định khác của pháp luật thì chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn.
– Điều kiện có hiệu lực khác của giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác liên quan.
3. Lầm tưởng ‘sổ đỏ đứng tên ai thì nhà đất là tài sản riêng của người đó’
Theo khoản 1 điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Như vậy, trường hợp trên sổ đỏ chỉ đứng tên vợ hoặc chồng nhưng tiền dùng để mua nhà đất là tài sản chung của vợ chồng thì nhà đất đó là tài sản chung của vợ chồng (dù chỉ đứng tên một người trên sổ đỏ).
4. Lầm tưởng ‘nhà đất đã được cấp sổ đỏ là được sử dụng ổn định lâu dài’
Căn cứ Điều 125, Điều 126 Luật Đất đai năm 2013, tùy vào trường hợp cụ thể mà Nhà nước sẽ quy định thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài hay có thời hạn (sẽ được ghi cụ thể trên sổ đỏ). Do đó, nhà đất đã được cấp sổ đỏ không đồng nghĩa với việc được sử dụng đất ổn định lâu dài.
Theo ThanhnienViet