Anh Hưng (Hà Đông, Hà Nội) ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh 36 tháng, mới ở được 6 tháng. Việc kinh doanh bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên anh Hưng chậm trả tiền thuê, sợ sẽ bị “cắt” hợp đồng. Theo quy định của pháp luật, anh Hưng chậm trả tiền bao lâu sẽ bị chủ nhà chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước hạn?
Thắc mắc của anh Hưng được luật sư Giáp Văn Đức – Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) tư vấn như sau:
Để xem xét thời hạn chậm thanh toán tiền thuê nhà thì trước tiên sẽ căn cứ vào Hợp đồng thuê nhà giữa hai bên đã ký kết. Nếu hai bên thỏa thuận bên thuê chậm thanh toán tiền nhà trong 1 thời hạn cụ thể thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn. Khi đó, hai bên sẽ căn cứ vào điều khoản này của Hợp đồng thuê nhà để thực hiện. Nếu trong Hợp đồng thuê nhà của hai bên không thỏa thuận về vấn đề chậm thanh toán tiền thuê nhà thì sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết.
Điểm b, khoản 2 Điều 132 Luật nhà ở năm 2014 quy định về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở như sau:
“2. Bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b) Bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;”
Như vậy, nếu bên thuê nhà không trả tiền thuê nhà từ 03 tháng trở lên và không có lý do chính đáng cho việc chậm trả tiền thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê. Vì vậy, anh Hưng chỉ bị chủ nhà chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn khi anh không thanh toán tiền nhà từ 3 tháng trở lên và không có lý do chính đáng. Nếu anh chậm trả tiền nhà dưới 3 tháng và vẫn còn thời hạn thuê nhà hoặc chậm trả tiền nhà từ 3 tháng trở lên mà có lý do chính đáng thì sẽ không bị chủ nhà đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn.
Có lý do chính đáng chính là các sự kiện hoặc tình huống xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được hoặc không thể tránh được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép, bao gồm nhưng không giới hạn các sự kiện như thiên tai, chiến tranh, bạo loạn, nổi loạn, khởi nghĩa, cấm vận, sự thay đổi căn bản của chính sách pháp luật gây bất lợi nghiêm trọng và làm cho các Bên không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ Hợp đồng hai bên đã ký kết.
Khó khăn về kinh tế bởi dịch Covid-19 là trở ngại khách quan, không ai mong muốn nên đây được coi là lý do chính đáng để các chủ cửa hàng trình bày, giải thích với chủ nhà về việc chậm đóng tiền thuê nhà. Vì vậy, điều cần làm bây giờ là các chủ cửa hàng cần gặp, thỏa thuận với chủ nhà về tình hình thực tế về thu nhập khó khăn trong thời kỳ đại dịch Covid–19 để chủ nhà có thể cảm thông, chia sẻ và không chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn.
- Có nên đầu tư nền không sổ qua vi bằng thừa phát lại?
- Làm sao để biết đất vướng tranh chấp, thuộc diện quy hoạch hay không?
Theo ThanhnienViet