Nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về nhà ở và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014.
Theo hồ sơ đề nghị sửa đổi, Bộ Xây dựng cho hay, sau hơn 6 năm thực hiện, Luật Nhà ở năm 2014 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đã đạt được những kết quả nhất định song vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, hạn chế. Một số quy định hiện không còn phù hợp với thực tiễn hoặc còn thiếu quy định, chưa điều chỉnh được hết các vấn đề xảy ra trên thực tế.
Bộ Xây dựng chỉ rõ, một số quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở còn chưa đầy đủ. Trong khi đó, một số quy định pháp luật liên quan đã có bổ sung, sửa đổi liên quan đến quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu đối với nhà ở. Vì vậy, để đảm bảo đủ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở, việc sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở là cần thiết.
Mặt khác, pháp luật về nhà ở cũng chưa có quy định về thời hạn sở hữu của nhà chung cư. Luật Nhà ở hiện hành cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong dự án nhà ở thương mại nhưng chưa quy định rõ cá nhân, tổ chức nước ngoài có được phép nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hay không.
Bộ Xây dựng cho rằng, việc sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 không những giúp hoàn thiện các quy định của pháp luật về nhà ở mà còn góp phần luật hóa các quy định, cơ chế đã được thực tiễn khẳng định phù hợp, qua đó góp phần ổn định và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Về nội dung sửa đổi, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi chính sách nhà ở theo hướng bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư tùy theo thiết kế công trình hoặc theo thực tế sử dụng, theo dự án của từng loại nhà chung cư mà quy định có thời hạn sở hữu 50 năm, 70 năm…
Bộ Xây dựng dự kiến đưa một số quy định về thẩm quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước từ Nghị định lên Luật Nhà ở và sửa đổi bổ sung làm rõ một số quy định để bảo đảm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý quỹ nhà ở này, đảm bảo phù hợp với các pháp luật liên quan như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Mặt khác, Bộ dự kiến sửa đổi bổ sung làm rõ quy định về loại nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước và trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà ở trong quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Liên quan tới quy định về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung sửa đổi quy định rõ cá nhân nước ngoài được quyền mua, quyền sở hữu nhà ở riêng lẻ gắn liền với quyền sử dụng đất. Cùng với đó, sửa đổi và quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức nước ngoài không được nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở.
Về việc phát triển nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng dự kiến rà soát, làm rõ hình thức lựa chọn chủ đầu tư theo hướng vẫn giữ nguyên 3 hình thức lựa chọn chủ đầu tư (chỉ định chủ đầu tư, đấu thầu, đấu giá), tuy nhiên sẽ làm rõ trường hợp được chỉ định làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Luật Nhà ở mới sẽ bổ sung quy định về công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại; bổ sung quy định quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Để đảm bảo kiểm soát chặt việc phát triển nhà đúng với nhu cầu ở thực tế tại địa phương, tránh tình trạng xin dự án để chiếm đất, đầu cơ, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung nội dung, tiêu chí thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở.
Theo ThanhnienViet