Việc ghi tên cá nhân/tổ chức trên sổ đỏ là căn cứ xác lập chủ sở hữu cũng như đảm bảo quyền sử dụng và định đoạt bất động sản của chủ thể này. Vậy khi vợ chồng cùng góp tiền mua nhà, đất thì tên trên sổ đỏ có thể được ghi theo những cách nào? Giá trị pháp lý tương ứng với mỗi cách ghi đó ra sao?
1. Vợ chồng đứng tên chung
Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế/ tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Như vâỵ, bất động sản mua trong thời kỳ hôn nhân sẽ là tài sản chung của vợ và chồng, cả 2 người đều có những quyền lợi tương đương đối với việc sở hữu, sử dụng và định đoạt đối với nhà đất đó.
Theo Điều 98 Luật Đất đai 2013, trường hợp quyền sử dụng nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ), trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Trên thực tế, đa phần các cặp vợ chồng chọn hình thức cùng đứng tên trên sổ đỏ nhằm đảm bảo đó là tài sản chung, tránh trường hợp xảy ra tranh chấp nếu ly hôn cần phân chia tài sản.
Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới chỉ có vợ hoặc chồng đứng tên, người còn lại muốn bổ sung tên mình vào sổ đỏ thì phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, xin cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Trình tự, thủ tục thêm tên vào sổ đỏ được quy định cụ thể tại Điều 76, Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
2. Chỉ vợ hoặc chồng (1 người) đứng tên
Đây là trường hợp có thể xảy ra khi vợ và chồng có thỏa thuận riêng về việc đứng tên trên sổ đỏ. Hoặc đơn giản là do lúc trao đổi mua bán, chỉ vợ hoặc chồng đứng ra giao dịch nên khi sang tên sổ đỏ cũng chỉ ghi tên họ của một người.
Dù 1 người đứng tên nhưng về nguyên tắc, nhà đất đó vẫn là tài sản chung được hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Tức là, kể cả khi người vợ/chồng giấu “nửa kia” để mua bất động sản và đứng tên riêng thì nhà đất đó vẫn là tài sản chung, khi bán cần có sự đồng ý của cả 2 người.
Trường hợp ngoại lệ theo Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, khi chỉ vợ hoặc chồng đứng tên trên sổ đỏ mà nguồn tiền để mua xuất phát từ tài sản riêng thì nhà đất đó thuộc về tài sản riêng của họ. Ngoài ra, nếu vợ hoặc chồng được cho, tặng, thừa kế riêng nhà đất trong thời kỳ hôn nhân, có bằng chứng hợp pháp và trước đó không có thỏa thuận quy vào tài sản chung thì nhà đất đó sẽ được coi là tài sản riêng của vợ/chồng.
3. Vợ, chồng và người khác cùng đứng tên
Trong trường hợp vợ chồng góp vốn mua nhà đất cùng người khác thì sổ đỏ sẽ ghi đầy đủ tên họ của những người đồng sở hữu này. Cụ thể, Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định: “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.
Nếu một trong số những người đồng sở hữu muốn thực hiện bất cứ giao dịch gì liên quan đến quyền sử dụng nhà đất đó thì phải có ý kiến của những người còn lại. Còn trong trường hợp mọi người thỏa thuận cho một người đứng tên trên sổ đỏ thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, khi góp vốn để mua chung nhà đất, các bên cần lập thành văn bản có công chứng, nêu rõ phần góp vốn của mỗi bên là bao nhiêu, thỏa thuận về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên như thế nào để tránh phát sinh tranh chấp về sau.
- Có nên đầu tư nền không sổ qua vi bằng thừa phát lại?
- Làm sao để biết đất vướng tranh chấp, thuộc diện quy hoạch hay không?
Theo ThanhnienViet