Dù giá bất động sản tại một số phân khúc giảm nhưng người mua vẫn thờ ơ chê giá bất động sản cao.
Giá bất động sản hạ, thanh khoản yếu
Dấu hiệu trầm lắng kèm thanh khoản chật vật đang diễn ra tại nhiều phân khúc như chung cư, đất nền, nhà phố.
Tại Hà Nội, nhiều dự án chung cư được chào bán với mức chiết khấu lớn nhưng thanh khoản chật vật. Đơn cử như tại quận Hoàng Mai, một dự án chung cư áp dụng mức chiết khấu 38% cho khách hàng thanh toán trước 95% giá trị căn hộ. Cụ thể, một căn hộ 74m2 giá 3.2 tỷ đồng giảm còn 1.9 tỷ đồng.
Một dự án chung cư ở huyện Hoài Đức mới mở bán cũng chào ưu đãi chiết khấu lên tới 15% dành cho khách hàng thanh toán nhanh.
Mặc dù mức chiết khấu hấp dẫn, cộng thêm nhiều ưu đãi về quà tặng song sức mua vẫn yếu.
Ở phân khúc nhà phố, trên thị trường thứ cấp, khảo sát cho thấy, so thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, mức giá loại hình này đã giảm từ 5-20%. Một căn nhà phố trên đường Tố Hữu (Hà Nội) từng chào bán với giá 21 tỷ đồng, hiện đã giảm còn 18,5 tỷ đồng.
Đất nền là thị phần ghi nhận mức giảm nhiệt rõ rệt, đặc biệt đối với khu vực vùng ven Hà Nội như Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn… Một số chủ đất chào bán giảm sâu tới 40%. Ngô Trường (môi giới bất động sản Thạch Thất) cho biết: “Thanh khoản rất yếu. Người hỏi nhiều nhưng tỷ lệ chốt thấp. Người mua chê giá đất còn cao”.
Báo cáo mới đây của batdongsan ghi nhận dữ liệu về mức độ quan tâm (thể hiện qua hành vi tìm kiếm) nhà đất đều giảm mạnh. Theo đó, chỉ số này tại thị trường TP HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Thuận giảm khoảng 30-50%.
Diễn biến thanh khoản chậm diễn ra tại phân khúc nhà đất trong ngõ. Anh Trường (chủ sàn giao dịch bất động sản ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhà đất trong ngõ rất ế ẩm, đặc biệt là loại hình nhà xây thương mại.
Mặc dù, nhiều chủ đầu tư giảm 200-300 triệu đồng/căn nhưng người mua dửng dưng. “Một số khu vực như Miêu Nha (Tây Mỗ) hay Dương Nội (Hà Đông), An Khánh (Hoài Đức), có nhiều căn rao gần 1 năm vẫn chưa có khách chốt. Tình trạng này khả năng còn kéo dài”.
Tâm lý thờ ơ trên thị trường
Tìm nhà gần một năm nay nhưng anh Đoàn Mạnh (hiện đang thuê nhà tại Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa tìm được căn nhà ưng ý. “Giá nhà vẫn còn cao. Tôi muốn đợi giảm sâu hơn”.
Trong khi đó, ông Trần Dũng (cư trú ở Vinhomes Smart City, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng ở tâm thế chờ đất nền giảm để tích sản. Theo ông Dũng, dù một số chủ đất giảm 200-300 triệu đồng/nền, tương đương 20-35% so thời điểm giữa năm 2022 nhưng vị này vẫn kỳ vọng giá hạ. “Tôi vẫn thấy giá đất cao. Giá chỉ giảm so với năm 2022 nhưng so năm 2020-2021, giá tăng 10-20%”.
Bình luận về vấn đề này, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Group cho rằng, dù mức giá chào bán trên thị trường sơ cấp và thứ cấp giảm nhưng so mặt bằng thu nhập, khả năng chi trả của đại đa số người mua vẫn cao.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, tâm lý của người mua vẫn chờ đợi đáy. Họ mong chờ giá tiếp tục sụt giảm để xuống tiền.
Mặt khác, trong bối cảnh tâm lý lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao khiến người mua chần chừ, cân nhắc. Chưa kể, nỗi lo biến động về công việc khiến người mua chưa thể đưa ra quyết định sớm.
Tâm lý dò đáy bất động sản vẫn khá mạnh do người mua, nhà đầu tư lo ngại thị trường sẽ tiếp tục sụt giảm, cộng thêm vướng mắc pháp lý của các tài sản còn nhiều.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, tâm lý dửng dưng của người mua là điều dễ hiểu. Bởi khi thị trường đi xuống, người ta chỉ mong giá càng thấp xuống. Trong khi đó, thị trường mới trầm lắng gần 1 năm, người mua cho rằng, tình trạng này còn kéo dài. Khi đó, giá bất động sản còn hạ. Tuy nhiên, ông Quyết khẳng định, diễn biến thị trường hiện tại khác so với giai đoạn trước. Khó khăn sẽ đi qua nhanh và giá bất động sản sẽ sớm tăng trở lại.
Nhịp sống thị trường