Trong “Đề án xây dựng chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030”, Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị hạn chế phát triển dự án nhà ở cao tầng mới nếu chưa được đầu tư hệ thống hạ tầng tương ứng.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhà ở nhiều khu vực nội thành chưa được cải tạo, nâng cấp tương xứng dẫn đến quá tải hạ tầng chung của thành phố. Do đó, trong Đề án xây dựng chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 -2030, Sở này cho biết sẽ hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm hiện hữu là quận 1 và quận 3.
Sở Xây dựng TP HCM nhấn mạnh, việc hạn chế sẽ kéo dài đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.
Đối với các quận 4, 5, 6,11, Phú Nhuận, kiến nghị hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng trong 5 năm tới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.
Đối với các quận nội thành phát triển: 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, TP sẽ ưu tiên phát triển các dự án nhà ở dọc theo các trục giao thông công cộng lớn như tuyến Metro 1 hoặc khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.
Ngoài ra, tại khu vực 5 huyện ngoại thành gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, Sở xây dựng Tp.HCM kiến nghị thành phố ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính; ưu tiên phát triển khu du lịch kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.
Khu vực này đến năm 2025 cũng không phát triển dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu vực chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng.
Vỡ hạ tầng trung tâm, TP HCM nhiều năm qua phải chịu cảnh “hễ mưa là ngập” (ảnh: Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) ngập sâu trong cơn mưa)
Một thực tế vẫn đang tiếp diễn trong nhiều năm nay tại TP.HCM đó là hễ mưa là ngập, tình trạng ngập úng cục bộ đã tốn rất nhiều kinh phí, tài nguyên để khắc phục, thế nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Bên cạnh đó vấn đề ùn tắc giao thông cũng xảy ra “như cơm bữa”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là những hệ quả của việc hạ tầng không theo kịp sự phát triển của nhà ở. Theo số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM hiện trên địa bàn toàn TP có hơn 1,9 triệu căn nhà, trong đó 88% là nhà ở riêng lẻ, 12% là căn hộ chung cư. Mật độ nhà ở có những nơi lên tới 10.894 căn/km2.
Bên cạnh đó theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, từ năm 1993 – 2010, toàn TP ghi nhận 770 khu dân cư mới, hút tới 2 triệu lượt người đến các khu vực này sống. Tuy nhiên, sự phát triển này không tương ứng với sự nâng cấp hạ tầng kỹ thuật dẫn tới quá tải về hạ tầng chung, giao thông đô thị luôn tắc nghẽn giờ cao điểm, hệ thống nước thải chịu áp lực nặng nề,…
Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, nguyên căn của những hệ lụy này là sự phát triển đô thị một cách tự phát, bê tông hóa quá nhiều, lấn chiếm hết không gian cho nước và cây xanh.
“Để giải quyết vấn đề này cần phải có những quy hoạch cụ thể, từ chống ngập, kẹt xe đến quản lý xây dựng đô thị, mật độ dân cư. Phải thực hiện một cách đồng bộ mới giải quyết được vấn đề mà TP.HCM đang hứng chịu thời gian qua” – KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định.
- Những đòn bẩy giúp BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển động mạnh mẽ
- Hết thời đầu cơ bất động sản, xu hướng đầu tư dài hạn lên ngôi
Diễn đàn doanh nghiệp