La Gi Bình Thuận không chỉ được định hướng là đô thị hạt nhân phía Nam Bình Thuận mà còn là đô thị cửa ngõ của tỉnh kết nối trực tiếp với TP.HCM và Vũng Tàu.
Vị trí địa lý La Gi Bình Thuận
La Gi là thị xã nằm ở phía Nam tỉnh Bình Thuận, có vị trí địa lý:
- Phía Đông giáp huyện Hàm Thuận Nam
- Phía Tây và phía Bắc giáp huyện Hàm Tân
- Phía Nam giáp biển Đông
La Gi được coi là trọng tâm của tam giác du lịch với ba đỉnh Phan Thiết – TP.HCM – Vũng Tàu khi nằm ngay trung tâm trục đường ven biển dài và nhiều tiềm năng nhất nước ta. Thị xã La Gi cách thành phố Phan Thiết 63km về phía Nam, cách thành phố Vũng Tàu 90km về phía Đông Bắc, cách trung tâm TP.HCM 150km về phía Đông Bắc. Khi cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết hoàn thiện, từ La Gi chỉ mất 0,5 giờ.
La Gi còn tiếp giáp biển với 28km đường bờ biển, có 2 cửa biển lớn là cửa sông Phan và cửa sông Dinh.
Lịch sử hình thành
Thị xã La Gi được thành lập ngày 5/9/2005 theo Nghị định số 114/2005/NĐ-CP của Chính phủ với địa giới hành chính của thị trấn La Gi và 4 xã trực Tân Hải, Tân Bình, Tân An, Tân Thiện thuộc huyện Hàm Tân.
Sau khi thành lập, thị xã La Gi Bình Thuận có tổng diện tích 18.537,3 ha, 112.558 nhân khẩu với 9 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 5 phường: Phước Hội, Phước Lộc, Tân An, Tân Thiện, Bình Tân và 4 xã Tân Hải, Tân Tiến, Tân Bình, Tân Phước.
Ngày 17/1/2018, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 32/QĐ-BXD về việc công nhận thị xã La Gi là đô thị loại III. Theo kế hoạch, La Gi sẽ được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025 và hình thành hàng loạt đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, thể thao hiện đại.
Kinh tế
La Gi hội tụ nhiều điều kiện để phát triển về mọi mặt, trở thành đô thị hạt nhân của khu vực Nam Bình Thuận. Thị xã có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao, trung bình đạt 8,12% mỗi năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng lĩnh vực thương mại – dịch vụ lên mức 52,9% và tỷ trọng công nghiệp xây dựng 21,7%.
Cảng hải sản La Gi được coi là một trong những cảng lớn của tỉnh Bình Thuận và khu vực với sản lượng khai thác đạt 61.800 tấn mỗi năm và có trên 1.910 tàu cá. Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, La Gi sở hữu đường bờ biển dài 28km, bãi biển đẹp nguyên sơ, nước xanh, cát trắng, khí hậu hiền hòa, con người thân thiện, lại có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi Đồi Dương, hòn Bà, biển Cam Bình, dinh Thầy Thím, dốc Ông Bằng, hòn Bà, đập đá Dựng… hấp dẫn khoảng 800.000 lượt khách ghé thăm hàng năm.
Hiện La Gi Bình Thuận đã thu hút được hơn 95 dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực như công nghiệp, du lịch với tổng vốn đăng ký lên tới hơn 5.300 tỷ đồng. Hệ thống y tế trên địa bàn thị xã về cơ bản đã được đầu tư hoàn thiện, các trường học có quy mô lớn, đảm bảo quy chuẩn, đáp ứng nhu cầu học và dạy.
Hạ tầng – giao thông
Thời điểm này, tại Bình Thuận có hàng loạt dự án hạ tầng – giao thông trọng điểm như cao tốc, đường ven biển, sân bay… Đặc biệt, những công trình này đều kết nối đến thị xã La Gi và được coi là bệ phóng đưa La Gi sớm lên thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025.
Trước tiên, phải kể đến Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đã khởi công từ tháng 9/2020. Tuyến đường có chiều dài lên tới 99km, rộng 32m, quy mô 6 làn xe với vận tốc thiết kế đạt 120km/giờ. Được biết, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sau khi xuống Quốc lộ 1 sẽ nối đường Hàm Kiệm – Tiến Thành và dẫn xuống biển.
Tỉnh Bình Thuận cũng sẽ nhanh chóng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 55. Đây là một phần thuộc kế hoạch xây dựng hai trục đường nối từ cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đi quốc lộ 1A, đi tiếp qua huyện Hàm Tân và chạy thẳng đến thị xã La Gi. Hai tuyến đường ĐT.719B và đường Hàm Kiệm – Tiến Thành đang được xây dựng khẩn trương với tổng vốn đầu tư lần lượt là khoảng 1.000 tỷ đồng và 460 tỷ đồng. Bình Thuận còn cho mở rộng đường ĐT.719 lên 32m, bắt đầu từ thành phố Phan Thiết đến thị xã La Gi với tổng vốn đầu tư lên tới 600 tỷ đồng.
Tuyến đường Nguyễn Minh Châu nối dài qua Hàm Tân, Hàm Thuận Nam kết nối đường ven thị xã với quốc lộ 55 đã được tỉnh Bình Thuận lên kế hoạch xây dựng. Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối nhiều khu vực quan trọng của Đông Nam Bộ như Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, sân bay Long Thành, TP.HCM.. Tỉnh cũng đốc thúc các ngành sớm hoàn thiện đoạn kè chống sạt lở sông Dinh, lập dự án đầu tư kè và đường ở 2 bên bờ sông Dinh. La Gi còn được kết nối với 3 tuyến đường quan trọng khác là Hàm Tân – La Gi, Tà Cú – Tân Thuận, Hàm Minh – Thuận Quý.
Cùng với đó, sân bay Phan Thiết được khởi công vào ngày 5/4/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2022, trong tương lai sẽ giúp giảm thời gian di chuyển từ Phan Thiết đến TP.HCM chỉ còn 30 phút và đến Hà Nội chỉ còn 2 tiếng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những dự án đã, đang và sẽ được triển khai trên sẽ tạo động lực giúp La Gi phát triển mạnh về mọi mặt.
Quy hoạch đô thị
Trong những năm qua, thị xã La Gi đã hoàn thành quy hoạch chung về xây dựng, tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch chi tiết phù hợp với tình hình thực tế của La Gi, triển khai quy hoạch đô thị mới và quy hoạch chỉnh trang đô thị, tăng cường công tác quy hoạch đô thị, đặc biệt là quản lý kiến trúc đô thị gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.
Theo quy hoạch chung thị xã La Gi đến năm 2035 và Chương trình phát triển đô thị thị xã La Gi đến năm 2035 đã được UBND tỉnh Bình Thuận thông qua, La Gi sẽ hình thành khu đô thị phức hợp hành chính tại phường Tân An với quy mô 289,2 ha, khu đô thị hỗn hợp dịch vụ với quy mô 129,42 ha, cải tạo khu dân cư cảng cá La Gi với quy mô 342,59 ha, phát triển khu đô thị công nghiệp, dịch vụ, du lịch 72,4 ha…
Theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ thị xã La Gi 2021-2025 và quyết định của ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, La Gi sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Thuận trên cơ sở toàn bộ diện tích thị xã La Gi trước năm 2025. Với mục tiêu như vậy, La Gi sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III còn chưa đạt trong giai đoạn 2021-2025 và đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí đô thị loại II trong giai đoạn 2025-2030, tiến tới được công nhận đô thị loại II từ năm 2030.
Tình hình thị trường bất động sản La Gi Bình Thuận
Theo thống kê năm 2019 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, toàn tỉnh đón hơn 6,4 triệu lượt khách, thu về 15.110 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2030, tỉnh sẽ đón khoảng 17,5 triệu du khách, trong đó có 2,2 triệu khách quốc tế, doanh thu dự kiến 78.000 tỷ đồng. La Gi với vị trí thuận lợi, sở hữu đường bờ biển dài và hạ tầng được đầu tư bài bản sẽ hưởng lợi về phát triển kinh tế gắn chặt với dịch vụ du lịch, trong đó có các dự án bất động sản. Đặc biệt, khi các khu vực như mũi Kê Gà, Mũi Né đã gần như bão hòa, quỹ đất ven biển dần thu hẹp thì mọi cơ hội đầu tư dường như đổ dồn và La Gi. Các sản phẩm bất động sản phổ biến tại đây bao gồm đất nền, đất sào, đất mẫu, đất dự án và một số sản phẩm nhà đất khác.
Trên thực tế, ngay từ khi tỉnh Bình Thuận công bố các quyết định đầu tư hạ tầng – giao thông khủng và thông tin La Gi lên thành phố trước năm 2025, thị trường bất động sản La Gi đã chứng kiến nhiều cơn sốt đất.
Trên địa bàn thị xã đã và đang hình thành 4 dự án khu đô thị lớn với tổng diện tích hơn 100 ha thuộc các phường Phước Hội, Tân Thiện và dự án đang được đẩy mạnh triển khai bao gồm:
- Khu đô thị Đông Tân Thiện (phường Tân Thiện) với quy mô 47,9 ha, giai đoạn đầu triển khai 6,3ha là khu phức hợp khép kín, bao gồm đất nền, nhà phố liền kề – biệt thự tại đường N2 và Nguyễn Trường Tộ, phường Tân Thiện.
- Khu đô thị Tây Tân Thiện với quy mô 48,39 ha tại phường Tân Thiện do Công ty Cổ phần Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư.
- Khu đô thị Phước Hội.
- Khu đô thị Tân Thiện.
Đây là 4 khu đô thị trọng điểm được Thủ tướng và UBND tỉnh Bình Thuận cho phép triển khai nhằm hoàn thiện hạ tầng, giúp La Gi sớm đạt được các tiêu chí đề ra để lên thành phố trực thuộc của Bình Thuận.
Theo ThanhnienViet