Từ nay đến năm 2025, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ dành 75.000 tỉ đồng cho đầu tư công, đặc biệt ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng. Đây là nền tảng thúc đẩy sự bùng nổ của nhiều lĩnh vực, trong đó có thị trường Bất động sản vốn đã giàu tiềm năng của tỉnh.
Sức bật từ “bệ phóng” hạ tầng
Là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế sôi động nhất Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu hứa hẹn sẽ còn lột xác mạnh mẽ trong thời gian tới khi đón “cơn mưa” hạ tầng giao thông quan trọng.
Tháng 6/2023, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với chiều dài 53,7km, tổng vốn đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng chính thức được “bấm nút” khởi công. Dự kiến, khi hoàn thành vào năm 2025, tuyến cao tốc này sẽ giảm tải cho quốc lộ 51, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM, Đồng Nai đến các khu vực của Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đầu năm 2023, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có buổi làm việc để nghe báo cáo về phương án tuyến, số lượng, vị trí ga, depot của Dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.
Dự kiến tuyến đường sắt này có chiều dài khoảng 65km, điểm đầu tại ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Tổng mức đầu tư khoảng 50.822 tỉ đồng, theo phương thức PPP.
Theo nhiều chuyên gia, đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ giúp giải bài toán logistics cho cảng Cái Mép -Thị Vải cũng như Nhóm cảng biển số 5. Đồng thời, tăng năng lực giao thông, thương mại và kích thích thị trường bất động sản khu vực.
Với vị trí nằm liền kề sân bay quốc tế Long Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ được hưởng lợi rất lớn khi sân bay có công suất lên đến 25 triệu hành khách mỗi năm đi vào hoạt động năm 2026.
Mới đây, những hạng mục chính của sân bay Long Thành gồm nhà ga sân bay, đường cất hạ cánh đã được chủ đầu tư, nhà thầu khởi công.
Một hạ tầng quan trọng khác là đường Vành đai 4 kết nối Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long an cũng đang được các địa phương lên kế hoạch triển khai.
Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với chiều dài hơn 18km đã được UBND tỉnh thống nhất chọn phương án mặt cắt ngang 27m với tổng kinh phí 8.100 tỉ đồng để đề xuất, báo cáo Bộ GTVT xem xét.
Trong tháng 6/2023, cầu Phước An gần 5.000 tỉ đồng kết nối đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng đã được khởi công xây dựng.
Sau khi hoàn thành, cầu Phước An sẽ tạo thành mạng lưới giao thông liên vùng kết nối khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải với cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL và khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.
Ngoài các dự án trên, mạng lưới hạ tầng giao thông của Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ còn được kết nối hoàn thiện hơn nữa khi cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường ven biển ĐT 944…hoàn thành đưa vào khai thác.
Toạ độ hút nhà đầu tư bất động sản
Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, chất lượng cao, đưa du lịch là một trong 4 trụ cột kinh tế quan trọng của địa phương.
Với tài nguyên là những bãi biển đẹp, địa hình đa dạng đồi núi, rừng nguyên sinh, nhiều địa danh lịch sử… theo thống kê hiện nay địa phương này đón từ 15 – 16 triệu lượt khách mỗi năm.
Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút khoảng 37,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 28,92 triệu lượt khách tham quan; 8,78 triệu lượt khách lưu trú.
Để đạt được kế hoạch trên, bên cạnh việc phát triển hạ tầng, trong những năm qua Bà Rịa – Vũng Tàu đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, nhiều tiện ích – dịch vụ vui chơi, mua sắm.. Cùng với đó là hàng loạt chương trình quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương đến du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Ngoài du lịch, ngành công nghiệp cũng được Bà Rịa – Vũng Tàu xác định là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 8.500ha. Tính đến tháng 6/2023, Bà Rịa – Vũng Tàu có 449 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 30.481,61 triệu USD.
Việc có nhiều khu công nghiệp thu hút hàng chục nghìn công nhân và chuyên gia đến làm việc là động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản phục vụ nhu cầu thuê, ở, kinh doanh…
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với vị trí chỉ cách TP.HCM khoảng hơn 1 giờ di chuyển bằng ô tô cùng nhiều tiềm năng về du lịch – công nghiệp, Bà Rịa – Vũng Tàu đang trở thành “địa chỉ vàng” của các nhà đầu tư bất động sản.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE từng nhận xét, xu hướng nghỉ dưỡng cuối tuần đang phát triển. Nhiều người sẽ lựa chọn các khu vực lân cận trung tâm, đặc biệt khi hạ tầng phát triển, việc di chuyển đến các khu vực này sẽ thuận tiện hơn. Trong đó, có thể kể đến các thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết….
Trong bối cảnh nguồn cung tại nhiều địa phương khác đang khan hiếm, tại Bà Rịa – Vũng Tàu thị trường bất động sản lại đang có sự đa dạng phân khúc từ nhà phố, căn hộ, condotel… phù hợp với nhu cầu để ở lẫn đầu tư lâu dài.
Chuyên gia đầu tư bất động sản Phan Công Chánh cũng cho rằng, 10-20 năm tới sẽ là thập kỷ của bất động sản đô thị vệ tinh. Đặc biệt, những địa phương vệ tinh có biện pháp thúc đẩy mạng lưới giao thông, tiện ích, thu hút đầu tư, có lộ trình tăng trưởng kinh tế vùng sẽ là điểm đến trong một thập kỷ tới.
Kết quả một khảo sát những đô thị vệ tinh được quan tâm nhất về đầu tư bất động sản khu vực Đông Nam Bộ cho thấy, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương nằm trong nhóm những thị trường đang thu hút sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư.
Riêng với phân khúc nhà phố, biệt thự tại Bà Rịa – Vũng Tàu đang có lượng khách tìm kiếm tăng vọt so với cùng kỳ năm trước.
CafeLand