Nhu cầu du lịch lưu trú giảm mạnh, làn sóng giảm giá, chiết khấu từ các khách sạn, resort đang khiến người kinh doanh căn hộ dịch vụ đối mặt khó khăn, nguy cơ ế ẩm ngày càng lớn.
Quản lý đến 6 căn hộ dịch vụ cho thuê tại trung tâm TP. Nha Trang, anh Phan Nguyễn lo lắng khi gần nửa năm nay doanh thu ảm đạm. Đây là nguồn thu quan trọng hàng tháng để anh thanh toán các khoản nợ từ phía ngân hàng, nhưng suốt 3 tháng nay, các căn hộ này rơi vào tình trạng bỏ trống vì vắng khách thuê. “Tôi đã hi vọng là trong quý tới khi du lịch tái khởi động lại, tình trạng sẽ tốt hơn nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được yêu cầu thuê mới nào cho tháng 7”. Việc phải cạnh tranh gay gắt với loạt khách sạn 4-5 sao đang vào mùa khuyến mãi khủng trên địa bàn đã làm dự kiến của anh gặp nhiều khó khăn.
“Nếu như trước đây, mỗi căn hộ dịch vụ vị trí view biển có giá cho thuê từ 60-120 USD/đêm thì hiện này, dù giá giảm xuống còn tầm 35-80 USD/đêm vẫn không tìm được khách. Những ngày cuối tuần muốn thuê căn hộ hướng biển thì khách phải đặt trước có khi từ 2-3 tuần mới có lịch trống, còn giờ đây chỉ cần lên các website đăng ký thuê căn hộ dịch vụ là có thể thuê ngay với giá giảm từ 30-35% so với các đợt giá trước đó”, anh Phan cho biết.
Thực trạng ế ẩm khách thuê không chỉ diễn ra tại Nha Trang mà ở hầu hết các thành phố du lịch lớn trên cả nước. Nhà đầu tư loại hình này phải đối mặt tình thế không có nguồn thu suốt 2-3 tháng qua.
Chị Mai Thanh, quản lý dịch vụ cho thuê tại một dự án condotel ở trung tâm Mũi Né, Phan Thiết chia sẻ, việc ngừng đón khách du lịch quốc tế đến nghỉ dưỡng đã gây ảnh hưởng đến tỷ lệ cho thuê các căn hộ tại đây. Thêm vào đó, từ tháng 2 đến nay, nhu cầu du lịch, lưu trú của khách nội địa cũng giảm gần 90%. Căn hộ ế ẩm nên nhiều chủ nhà đã chấp nhận giảm giá gần 50% so với bình thường nhưng ế vẫn hoàn ế. “Trước đây, những ngày cuối tuần giá thuê căn hộ ở các tầng view thấp vào khoảng 80-100 USD/đêm, tầm nhìn đẹp lên đến 120-150 USD/đêm, còn hiện tại, những vị trí đẹp giá thuê cao nhất chỉ tầm 70 USD/đêm vẫn không ai thuê vì khách du lịch giảm mạnh”, chị Thanh chia sẻ.
Kỳ vọng phục hồi được gửi gắm vào các tháng hè tới đây khi thị trường du lịch bước vào mùa cao điểm. Việc hàng loạt các chuỗi khách sạn, khu du lịch đồng loạt giảm giá thuê từ 50-70% nhằm kích cầu khách thuê đang khiến nhiều chủ nhà kinh doanh căn hộ dịch vụ lao đao. “Nhu cầu du lịch năm nay chắc chắn sẽ giảm sút mạnh, dù là trong mùa du lịch cao điểm tháng hè. Bên cạnh việc lịch trình nghỉ hè của các gia đình bị đảo lộn vì dịch Covid-19, yếu tố tài chính cũng là điều rất đáng lưu tâm. Ảnh hưởng của dịch bệnh lên kinh tế là rất nặng nề nên hầu hết tâm lý người dân hiện nay vẫn là tích lũy và trách các khoản chi chưa thật sự cần thiết. Các hoạt động du lịch xa xỉ sẽ bị suy giảm rất nhiều”, lãnh đạo một Công ty lữ hành nhìn nhận về thị trường du lịch trong 6 tháng cuối năm 2020.
Dù tình hình tại Việt Nam đã ổn định nhưng dịch bệnh trên thế giới đang vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Nhu cầu du lịch quốc tế sẽ tiếp tục giảm mạnh và khó phục hồi trong năm 2020. Chính vì vậy, với những nhà đầu tư căn hộ dịch vụ cho thuê, bên cạnh lượng chuyên gia quốc tế đến lưu trú giảm, khách du lịch không nhiều, khó khăn sẽ còn tiếp tục và việc phải giảm giá thuê là điều khó thể tránh.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, sau tháng 1 tăng cao 33% so với cùng kỳ, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã suy giảm mạnh trong tháng 2 (giảm 22%) và tháng 3 (giảm 68%) sau đó xuống đáy trong tháng 4 do lệnh hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh đã áp dụng trên thế giới. Ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nặng nề do dịch Covid-19. Trường hợp xấu nhất, thị trường du lịch có thể “đóng băng” hoàn toàn từ nay cho đến hết năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, TGĐ Viettravel, bên cạnh khó khăn, vẫn còn cơ hội cho ngành du lịch khi Việt Nam được coi là điểm sáng phòng chống dịch Covid-19. Nếu chúng ta làm tốt chương trình “Du lịch Việt Nam an toàn” thì với những thị trường đã có sự phục hồi, chuyển giai đoạn sau dịch bệnh, Việt Nam sẽ có thể thu hút được khách quốc tế từ quý 4. Có thể từ tháng 10 sẽ có thêm khách từ những thị trường Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong (Trung Quốc) và toàn bộ thị trường Đông Nam Á.
Riêng trong ngắn hạn, Việt Nam đang tập trung vào thị trường du lịch nội địa để giữ khách, động thái khuyến khích hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm khôi phục thị trường du lịch được kỳ vọng giúp thị trường du lịch tăng trưởng trở lại.
Nguồn: batdongsan