Dự báo về sự phục hồi của thị trường bất động sản, các chuyên gia cho rằng có những điểm sáng nhưng vẫn còn khó khăn bao trùm cần sớm củng cố niềm tin để đưa thị trường về thế cân bằng.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn nhận định, thị trường hiện tại vẫn có nhiều tiềm năng nhưng thiếu sự tự tin. Vị chuyên gia chia sẻ, lực cầu vẫn có, chỉ số GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7,5 – 8,2% cùng với CPI từ 3,8 – 4,2% cho thấy, bức tranh chung duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập người dân ổn định.
Nhà đầu tư ở tâm thế “nghe ngóng”
Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp, đạt khoảng 40%. Với những đô thị lớn tập trung đông dân, kinh tế được đẩy mạnh đầu tư thì bất động sản vẫn có nhiều cơ hội. “Thế nhưng vấn đề đặt ra là niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường đã sụt giảm. Hầu hết các bên đang giữ tâm thế nghe ngóng và quan sát diễn biến thị trường” – ông Quốc Anh cho biết.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc phía Nam cũng chia sẻ, các sự kiện tiêu cực diễn ra gần đây khiến khách hàng chuyển sang tâm lý phòng thủ, “niềm tin” vào các dự án hình thành trong tương lai giảm dần vì lo tranh chấp pháp lý, tiến độ hoàn thành. Điều đó cũng là nguyên nhân của câu chuyện chủ đầu tư tung nhiều ưu đãi lớn nhưng khách hàng không mặn mà.
“Giao dịch trên thị trường ngày một ít đi, thanh khoản giảm ở mọi phân khúc, giá bất động sản giảm cục bộ, đặc biệt ở phân khúc đất nền tại các “điểm nóng” trước đến nay” – vị này cho biết.
Cùng nhận định trên, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho hay, chính sách pháp lý dự án là một trong các vấn đề đã tồn đọng quá lâu và kéo dài dẫn đến sụt giảm nguồn cung, gây áp lực lên mặt bằng giá và hiệu quả kinh doanh do thời gian triển khai dự án kéo dài ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.
Theo ông Thắng, điều quan trọng không kém đó chính là niềm tin của người dân và nhà đầu tư vào chính sách điều hành, quản lý của nhà nước, niềm tin vào tiềm năng của thị trường phải được quan tâm và củng cố. “Nếu không giữ vững điều này tâm lý chung của thị trường sẽ tiếp tục thận trọng và thị trường sẽ càng khó có cơ hội phục hồi trong ngắn hạn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Củng cố niềm tin trên thị trường
Niềm tin bị lung lay sau các sự kiện tiêu cực cũng đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, sốt ruột, dòng tiền tìm cách thoát khỏi thị trường không chỉ qua giao dịch mà còn từ kênh cổ phiếu, trái phiếu. Trong khi 2 kênh huy động vốn trên là kênh vốn trung và dài hạn phục vụ cho mục tiêu phát triển của các doanh nghiệp. Nên rõ ràng, khi nhà đầu tư đòi rút vốn ngay, doanh nghiệp không thể xoay xở kịp để hoàn trả.
Khi tâm lý của các nhà đầu tư bị lung lay, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần vốn để phục hồi và phát triển sau tác động của đại dịch, đặc biệt là với những doanh nghiệp cần vốn lớn như bất động sản, khó khăn trong huy động vốn sẽ khiến các hoạt động đầu tư, phát triển của doanh nghiệp bị tắc nghẽn.
TS. Bùi Quý Thuấn, Học viện Chính sách và Phát triển nhấn mạnh thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là bảo vệ doanh nghiệp và các nhà đầu tư, hỗ trợ phát triển thị trường trên cơ sở đẩy mạnh cải cách thể chế theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, đưa thị trường vào quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.
Song, ông Thuấn cũng chia sẻ, các chính sách, thông điệp đưa ra nhằm đưa thị trường về trạng thái cân bằng, ổn định, không quá nóng, cũng không quá lạnh. Nếu như quá lạnh, doanh nghiệp không huy động được vốn, nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi lại không biết đầu tư vào đâu.
Nhà nước phải tạo ra sân chơi công bằng, lành mạnh cho các doanh nghiệp dựa trên khung pháp lý hoàn chỉnh để quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trong khuôn khổ nhất định, nhưng không can thiệp quá sâu vào các yếu tố khách quan của nền kinh tế thị trường hay hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.
“Trong bất cứ một nền kinh tế nào, bất động sản cũng có vai trò quan trọng khi có mối quan hệ liên đới với nhiều ngành nghề khác. Trong bối cảnh đô thị hóa cao, thu nhập của người dân tăng lên, quy mô của thị trường bất động sản hiện nay còn nhỏ, chưa bắt kịp được nhu cầu của người dân, các dự án đồng bộ, đa tiện ích vẫn còn ít, thị trường bất động sản Việt Nam rất tiềm năng để phát triển. Khơi thông nguồn vốn cho thị trường này sẽ tạo ra lực đẩy lớn để các doanh nghiệp có thể phục hồi và tăng trưởng trở lại, bứt phá các tiềm năng” – ông Thuấn nhấn mạnh.
Diễn đàn doanh nghiệp