Sau một thời gian ngắn chuyển đến căn biệt thự mới xây ở Nhà Bè (TP.HCM), cả gia đình anh Quyết lại muốn trở về ngôi nhà cấp 4 tại quận 7.
Năm 2013, anh Quyết mua được một miếng đất diện tích khoảng 600 m2 nằm tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè. Khu đất này đã có 250 m2 đất lên thổ cư. Đến năm 2016, anh quyết tâm xây một ngôi nhà thật rộng rãi để đón cả nhà về ở vì đã chán cảnh chật chội trong căn nhà cấp 4 chỉ rộng 35 m2 mà có tới 5 thành viên, 3 thế hệ chung sống ở quận 7.
Ngôi nhà xây hết phần đất thổ cư 250 m2, kết cấu một trệt một lầu, có 5 phòng ngủ. Trên phần đất còn lại, anh làm vườn, trồng hoa, trồng rau. Ngôi nhà hoàn thiện sau 8 tháng với tổng chi phí hơn 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở nhà to đẹp không lâu, niềm vui của mọi người nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi phiền muộn, mệt mỏi vì quá vất vả khi đi lại. Anh Quyết làm kinh doanh tự do, không gò bó thời gian nên cảm thấy rất thảnh thơi, trái lại cơ quan của vợ ở mãi quận 1, ngày nào đi làm về vợ anh cũng càm ràm đường xa, đường tắc, không còn thời gian nghỉ ngơi. Đứa con lớn cũng học gần nhà cũ ở quận 7, giờ chuyển đến nhà mới cách trường gần 10 km. Mẹ anh cũng không được vui vì đã quen hàng xóm ở khu phố cũ, có nhóm tập dưỡng sinh, nhóm bạn đi chùa cùng, còn về đây thì chỉ bầu bạn với cái ti vi.
Mỗi ngày thấy mọi người ca thán anh Quyết cũng trở nên cáu bẳn. Sau một thời gian khoe niềm vui nhà mới với đối tác, bạn bè, mọi thứ cũng đã lắng xuống. Đầu năm 2018, anh quyết định vay mượn tiền (kế hoạch là sẽ nhanh bán được biệt thự ở Nhà Bè) để có tài chính sửa lại ngôi nhà ở quận 7 thành 3 tầng, rồi cả nhà đưa nhau về. Vậy nhưng căn biệt thự mãi chẳng thể giao dịch vì khách đến đều trả giá quá thấp, bởi nhu cầu của họ là mua đất chứ không mấy để ý đến ngôi nhà.
Tương tự, vợ chồng ông Hùng cả năm nay rao bán mà vẫn chưa sang nhượng được căn nhà vườn rộng gần 1.500 m2 ở Bình Chánh, khu vực giáp Long An. Căn biệt thự này có kết cấu một trệt một lầu, diện tích sàn là 520 m2. Quanh nhà ông Hùng còn bố trí hồ bơi, vườn tược gần 1.000 m2 nữa.
Vợ chồng ông Hùng xây căn biệt thự này vào năm 2012 với số tiền 5,2 tỷ. Khi đó, hai vợ chồng đã ngoài 50 tuổi, không còn tha thiết cuộc sống xô bồ nơi phố thị nên muốn có một căn nhà ở xa trung tâm cho yên tĩnh. Hai đứa con ông Hùng khi đó đang học cấp ba, ông tính sẽ thuê tài xế đưa đón con đi học hàng ngày khi chuyển về nhà mới.
Hai vợ chồng ông Hùng đều làm kinh doanh, có công ty riêng, có tài xế riêng nên cuộc sống không xáo trộn nhiều khi chuyển ra ngoại thành. Tuy nhiên hai đứa con ông thì chê cuộc sống ở Bình Chánh “nhà quê”, tỏ rõ không thích ở đây. Khi chúng vào đại học đã nhất quyết đi thuê nhà gần trường để ở với bạn. Hết mấy năm đại học, hai đứa lần lượt đi nước ngoài du học. Các con đều đi vắng, vợ chồng ông Hùng bắt đầu ngán ngẩm cuộc sống buồn tẻ trong ngôi nhà rộng thênh thang nhưng thiếu đủ thứ tiện ích ở trung tâm.
Năm ngoái, hai vợ chồng quyết định mua một căn hộ chung cư 70 m2 ở quận 5 và thấy cuộc sống vui trở lại. Có điều căn biệt thự ở Bình Chánh rao bán với giá 18 tỷ đã hơn một năm nay mà chưa thể bán được. Ngay cả khi ông Hùng rao cho thuê cũng không có khách nào hỏi đến. Để nhà không thành nhà hoang, mỗi tháng, ông bà lại phải thuê người đến quét dọn một đôi lần.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền (TP.HCM) cho biết từng chứng kiến nhiều gia đình mua nhà ở xa nhưng lại không muốn ở. “Tôi vẫn thường khuyên các chủ đầu tư cũng như bạn bè, người thân đang ở độ tuổi lao động khi mua nhà nên quan tâm đến vị trí, sao cho quãng đường từ nhà đến chỗ học của con hay nơi làm việc của cha mẹ phải ngắn nhất có thể. Dù bạn đủ khả năng xây biệt thự to ở ngoại thành cũng không nên làm vì hiệu suất sử dụng rất thấp”, ông Truyền khuyên.
Kiến trúc sư Truyền kể, ngay ở công ty ông, có những nhân viên nhà ở ngoại thành, mỗi ngày mất 2 tiếng trên đường, nghĩa là cứ 4 ngày đi làm đã hết một ngày làm việc. Ngoài ra, những ngày mưa gió, tắc đường, mọi người phải cố chạy cho kịp giờ làm, không ngủ đủ giấc, đến công ty không còn năng lượng làm việc… nên họ thích ở lại công ty hơn.
Theo ông Truyền, khi mua hoặc xây nhà, bên cạnh việc lựa chọn vị trí chủ nhà nên xác định đúng nhu cầu của gia đình để lựa chọn quy mô phù hợp: chỉ nên làm những thứ mình đang cần hoặc sẽ cần trong vòng 5-10 năm tới.
“Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bố mẹ muốn xây nhà hoành tráng cho con ở, nhưng vài năm sau, con lớn, đi học rồi lập gia đình, ra ở riêng, chỉ còn hai ông bà già ở trong một căn nhà to, hiu quạnh. Khi nhận các công trình, anh Quyết thường khuyên gia chủ nên đầu tư quy mô phù hợp với nhu cầu sử dụng, nhưng rất nhiều người vẫn thích làm nhà thật to. Thậm chí có những người sẵn sàng vay tiền để thỏa mãn ước mơ có nhà to, nhưng xây xong ở không hết”.
Tương tự, theo ông Nguyễn Xuân Thảo, một nhà đầu tư bất động sản cá nhân tại TP.HCM, xây nhà vườn hoành tráng ở ngoại thành không phải là một bài toán kinh tế hiệu quả, nếu muốn bán sẽ rất khó. Bởi các bất động sản ở xa trung tâm không được người giàu ưa thích.
“Đa số những người mua đất xây nhà ở ngoại thành thường có số tiền khiêm tốn, nên khi bạn đầu tư quá nhiều tiền vào ngôi nhà, bạn sẽ rất khó tiếp cận với người mua”, ông Thảo cho biết.
- 4 trường hợp mua phải đất vướng quy hoạch, lộ giới không thể xây nhà
- Đất 03 là gì? Và những điều cần biết về loại đất này
Theo Vnexpress