Đầu tư hàng trăm triệu đồng để hoàn thiện căn hộ và mua sắm nội thất cao cấp thế nhưng tới khi bán nhiều người đã phải ngậm ngùi thất vọng. Lý do là bởi bán giá cao thì không ai ngó ngàng tới còn bán giá rẻ thì “tiếc đứt ruột” chi phí đã đầu tư.
Anh Khiêm, chủ một căn hộ chung cư trên đường đường Lê Trọng Tấn kéo dài (Hoài Đức, Hà Nội), rao bán căn hộ diện tích 65m2 để mua một căn hộ khác gần chỗ làm và trường học của con hơn. Tuy nhiên nhiều tháng trời ký gửi ở các sàn, qua môi giới và đăng bán trên các trang web về nhà đất nhưng căn hộ của anh Khiêm vẫn không có người hỏi mua. Một số người tới xem nhưng vì không thỏa thuận được giá nên họ “một đi không trở lại”.
Theo lời anh Khiêm, trước đây anh mua căn hộ này với giá 1 tỷ đồng. Vì là căn hộ đầu tiên anh mua được để ra ở riêng nên anh dành rất nhiều tâm huyết cho nó. Hơn nữa tính anh cũng cẩn thận và cầu toàn nên anh không ưng ý lắm về nội thất có sẵn của căn hộ. Do đó anh đã đầu tư hơn 300 triệu để thay cửa, lát lại sàn gỗ, mua các thiết bị nội thất, vệ sinh cao cấp rồi lắp điều hòa, hệ thống hút mùi… Mặc dù là khu căn hộ bình dân nhưng bên trong nhà anh chẳng khác nào các căn hộ cao cấp. Bất cứ ai đến chơi cũng phải trầm trồ ngưỡng mộ.
Thế nhưng cũng chính vì anh đã nâng cấp nội thất căn hộ nhiều khiến giá thành bị đẩy lên cao so với mặt bằng chung. Nếu bán rẻ, anh Khiêm sẽ bị lỗ khoản tiền nội thất đầu tư thêm, còn nếu bán đắt thì lại không có khách hỏi mua.
“Mình tốn bao nhiêu công sức đầu tư sửa chữa mà giờ khách lại chê nội thất lỗi thời, không hợp ý họ. Khách chỉ đồng ý mua căn hộ còn không đồng ý trả tiền mua phần nội thất. Họ còn so sánh căn hộ của tôi với các căn trong cùng tòa nhà chênh đến 300-400 triệu. Giờ tôi rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, bán không được mà ở cũng không xong”, anh Khiêm chia sẻ.
Vợ chồng chị Bích, chủ một căn hộ ở quận Hà Đông cũng lâm vào tình huống tương tự. Ban đầu vợ chồng chị mua một căn hộ tại dự án, nhưng sau đó lại nảy sinh ý tưởng mua thêm một căn bên cạnh để đập tường, thông nhau cho rộng rãi, thoải mái. Vì vậy, hai vợ chồng đã phải bỏ thêm tiền để thuê thiết kế lại một phần của khu vực phòng khách. Sau đó còn đầu tư thêm gần 400 triệu đồng làm nội thất, sàn gỗ và nâng cấp phòng vệ sinh.
Cứ ngỡ sẽ sống trong căn hộ rộng rãi, tiện nghi lâu dài, nhưng chỉ được vài năm, vợ chồng chị Bích đã cảm thấy không hài lòng về dịch vụ chung của tòa nhà. Thang máy thường xuyên hỏng, hầm gửi xe chật chội, các dịch vụ tiện ích cũng không có. Sau nhiều lần đắn đo, vợ chồng chị quyết định bán căn hộ đó đi để chuyển sang khu khác. Đến lúc này hai vợ chồng mới nhận thấy căn hộ của họ không dễ bán một chút nào.
“Mặc dù nhà của tôi được thiết kế khá đẹp nhưng hầu hết người mua đều chê giá hơi cao. Không ít người còn cho rằng với số tiền đó thay vì mua căn hộ của tôi, họ có thể lựa chọn mua một dự án cao cấp khác, có nhiều tiện ích hơn. Đúng là khi đầu tư cho căn hộ tôi đã không nghĩ tới chuyện sau này bán đi nên chỉ muốn làm sao cho đẹp nhất, sắm đồ tốt nhất để dùng, nhưng giờ nghĩ lại thì thấy sai lầm”, chị Bích tâm sự.
Cuối cùng sau nhiều lần cân nhắc, vợ chồng chị Bích đành ngậm ngùi hạ giá từ 3 tỷ đồng xuống 2,5 tỷ đồng. Chấp nhận bán lỗ 500 triệu đồng.
Thực tế, không ít người đã rơi vào tình huống như anh Khiêm và chị Bích. Thông thường khi bán nhà, những chi phí đầu tư cho thiết kế, nội thất căn hộ thường không được tính nhiều vào giá bán và các chủ nhà phải chấp nhận lỗ khoản đầu tư này. Hơn nữa, việc các chung cư đã qua sử dụng bị xuống cấp, kiến trúc đã cũ nên không còn bắt mắt và còn bộc lộ nhiều vấn đề về an toàn cháy nổ… khiến khách hàng không mấy mặn mà. Một nguyên nhân khác nữa là hiện nay thị trường có rất nhiều sự lựa chọn mới nên người mua cũng kén hơn.
Từ bài học đắt giá của anh Khiêm và chị Bích, người mua nhà cần rút kinh nghiệm khi muốn “lên đời” cho căn hộ. Trước khi quyết định làm nên xem xét thật kỹ việc đầu tư và giá trị căn hộ hoặc dự án đang ở có tương xứng hay không. Đặc biệt không nên đầu tư quá nhiều cho căn nhà nếu không có ý định ở lâu dài.