Trải qua 2 năm đại dịch Covid-19 phức tạp, nền kinh tế chịu những tác động tiêu cực nặng nề, bất động sản – một thành tố quan trọng của nền kinh tế vẫn hấp lực mạnh dòng vốn đầu tư. Điều gì đã làm nên sức hút của kênh đầu tư này?
Dòng tiền vẫn đổ mạnh vào bất động sản
Dòng vốn trong và ngoài nước vẫn đổ mạnh vào bất động sản bất chấp những khó khăn do đại dịch gây ra. Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2021 vào ngành kinh doanh bất động sản vẫn tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng 300 triệu USD. Đáng chú ý, mức vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong kinh doanh bất động sản tăng dần từ cuối tháng 3 đến tháng 6/2021, cụ thể từ 0,6 tỷ USD vào thời điểm 20/3 lên 1,15 tỷ USD thời điểm 20/6. Báo cáo thị trường bất động sản quý II của Bộ Xây dựng cũng đưa ra những con số đáng chú ý về dòng vốn đổ vào bất động sản vẫn đang tăng. Cụ thể, tính đến 30/6, dự nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 672.200 tỷ đồng, tăng so với mức hơn 661.100 tỷ đồng tính đến 31/3.
Mối quan tâm của người dân đối với bất động sản vẫn rất lớn. Báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy sức hút của kênh đầu tư bất động sản khi mức độ quan tâm tới thị trường luôn bật dậy mạnh mẽ sau mỗi đợt covid-19. Sau Covid-19 đợt 1, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau Covid-19 lần 2 thị trường tăng 62%, sau Covid-19 lần 3, thị trường tăng mạnh 378%. Như vậy không khó nhận ra, trải qua 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch, bất động sản vẫn hấp lực mạnh dòng tiền. Đây vẫn là kênh đầu tư tiềm năng không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Sức hút của kênh đầu tư bất động sản
Lý giải về sức hút của bất động sản, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, khối ngoại đổ vốn mạnh vào bất động sản Việt Nam khi nhận thấy sự ổn định chính trị, thị trường tài chính không biến động lớn, lạm phát ổn định và nỗ lực và quyết tâm phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận sự cởi mở và cải thiện liên tục của môi trường đầu tư Việt Nam trong những năm gần đây. Việt Nam liên tiếp được các tổ chức quốc tế nâng hạng về môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh. Cũng theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, thị trường bất động sản Việt Nam đang sở hữu một nguồn cầu lớn do tốc độ đô thị hóa cao, dân số đô thị tăng nhanh. Nguồn cầu này có thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, do đó nhu cầu phát triển về nhà ở, cùng với bất động sản thương mại như văn phòng, bán lẻ, căn hộ cho thuê có nhiều dư địa tăng trưởng mạnh trong tương lai. Chính vì thế, mà nhà đầu tư nước ngoài hào hứng với nhiều lĩnh vực kinh tế Việt Nam, trong đó có bất động sản.
Nhận định về kênh đầu tư bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết tổng tiền vào thị trường bất động sản vẫn tăng mạnh thời gian qua. Dòng tiền tăng trưởng này bao gồm: thu lợi từ thị trường chứng khoán; kiều hối tại nhiều khu vực trên thế giới. Nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam bị thu hẹp hoạt động vì covid nên chuyển vốn vào thị trường bất động sản để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Ngoài ra, tiền gửi ngân hàng bị điều chỉnh lãi suất giảm nên nhà đầu tư rút ra chốt lại chuyển từ chứng khoán vào thị trường bất động sản… Chính những điều này dẫn đến tổng lượng tiền sẵn sàng thanh toán mua bất động sản tăng, làm tổng cầu bất động sản tăng. Thực tế này cho thấy bất động sản vẫn là một kênh đầu tư, một nơi trú ẩn có sức hút với dòng tiền.
Thừa nhận sức hút của bất động sản, Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Việt Nam nhận định khi dịch bệnh được kiểm soát, các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và các địa phương nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế sẽ vẫn thu hút giới nhà đầu tư. Sự thu hút không chỉ đến từ các nhà đầu tư của chính địa phương đó mà còn đến từ các địa phương khác cũng như quốc tế.
Giám đốc Savills Việt Nam đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư cá nhân, khi có ý định đầu tư bất kỳ loại hình phân khúc bất động sản nào cần nhớ tới quy tắc quan trọng nhất là luôn nghiên cứu kỹ loại hình đầu tư và những tiềm năng phát triển của bất động sản đó trong tương lai. Những thông tin chính xác và đáng tin cậy về hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, về quy hoạch đã được công bố và xác nhận là kim chỉ nam giúp nhà đầu tư có cơ sở rõ ràng trong việc đầu tư, tránh đầu tư theo đám đông, trào lưu.
Theo ThanhnienViet