Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì 3 tháng cuối năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022 là khoảng thời gian thị trường bất động sản cần để phục hồi chưa thể sôi động. Tuy nhiên, đây là khoảng thời gian “vàng” cho nhà đầu tư, doanh nghiệp có sẵn tiền mua vào những bất động sản với giá phù hợp hơn so với trước dịch.
Tại buổi Talkshow mới đây do CafeLand tổ chức nhiều chuyên gia bất động sản đã đưa ra những góc nhìn khá lạc quan với thị trường bất động sản sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia Tài chính Ngân hàng cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn rất hấp dẫn. Ngoại trừ quý 3.2021 bị ảnh hưởng do dịch bệnh thì trước đó các chỉ số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất ấn tượng. Quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, cơ sở hạ tầng đang được đầu tư mạnh, nhu cầu đầu tư bất động sản của người dân rất cao.
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, nếu mong đợi thị trường sôi động ngay sau khi mở cửa trở lại thì rất khó bởi thời gian qua người dân và doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ dịch bệnh.
Chuyên gia này phân tích, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì 3 tháng cuối năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022 là khoảng thời gian để cho thị trường khắc phục. Nếu sớm thì hết quý 1/2022 thị trường sẽ phục hồi, muộn thì phải đến quý 4/2022.
Do đó, khoảng thời gian 3 – 6 tháng tới không phù hợp với những nhà đầu tư lướt sóng ngược lại với những ai có tầm nhìn từ 2 – 3 năm thì đây là lúc thích hợp để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đặc biệt, tại những khu vực đang được nâng đỡ bởi các dự án hạ tầng giao thông lớn đang chuẩn bị triển khai xây dựng hoặc sắp hoàn thành.
Với những nhà đầu tư đang sẵn tiền mặt thì khoảng thời gian sau dịch cũng là cơ hội để họ săn tìm bất động sản có giá giảm từ 5 – 10%. Dù mức giảm giá không lớn nhưng đây là những bất động sản có vị trí đẹp nếu trước dịch có tiền cũng không mua được.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng nhận định, thời điểm này những ai có tiền mặt là vua. Cả nhà đầu tư cá nhân, lẫn doanh nghiệp nếu trụ được qua giai đoạn này sẽ có nhiều cơ hội để mua bất động sản với giá hợp lý.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, không nên vẽ một bức tranh quá màu hồng về thị trường bất động sản sau dịch. Bởi hiện nay vẫn có những dấu hiệu đáng lo ngại, trong đó dự báo khả năng nợ xấu bất động sản sẽ tăng lên thời gian tới.
Ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4 nặng nề ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Đối với những doanh ngiệp bất động sản cũng rất khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng.
“Hiện nay chưa thấy rõ, nhưng một hai năm tới khi đến hạn trả nợ mà tình trạng dịch bệnh vẫn chưa ổn, kinh doanh bị gián đoạn thì khả năng doanh nghiệp bị vỡ nợ có thể xảy ra”, ông Hiếu nói.
Chuyên gia này cho biết thêm, trong thời gian tới các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay bởi hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% xuống còn 37%. Trong tương lai tỉ lệ này sẽ dần dần được kéo xuống còn 30%.
Cụ thể, hiểu đơn giản, nếu trước đây ngân hàng vay ngắn hạn được 100 đồng thì có thể dùng 40 đồng để cho vay trung và dài hạn thì nay chỉ có thể vay 37 đồng. Như vậy các ngân hàng sẽ ít tiền để cho vay hơn và doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn trong việc vay vốn để phát triển các dự án so với trước đây.
Theo ThanhnienViet