Kịch bản dự báo khả năng tiêu thụ khoảng 17.000 căn hộ trong năm 2021 có vẻ không khả quan như dự báo của CBRE trước đó, bởi theo đại diện đơn vị này, thời điểm dự báo chưa lường trước được dịch giãn cách sẽ kéo dài đến hết tháng 9, thậm chí bước qua tháng 10.
Chia sẻ tại toạ đàm BĐS do báo Dân Trí tổ chức mới đây, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, chắc chắn con số về thị trường căn hộ mà chúng tôi dự báo cho năm 2021 trong thời điểm này thận trọng hơn rất nhiều. Thời điểm mà chúng tôi dự báo con số tiêu thụ 13.000-15.000, thậm chí 17.000 căn hộ cho năm 2021 tại Tp.HCM là thời điểm dịch chưa bùng phát dữ dội như thời điểm này. Lúc đó, chúng tôi chưa lường trước dịch giãn cách sẽ kéo dài đến hết tháng 9, thậm chí bước qua tháng 10.
Dự báo thay đổi phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản mở cửa của Tp.HCM. Ở đây CBRE đưa ra 2 kịch bản.
Kịch bản 1: Nếu chúng ta mở cửa dần dần vào tháng 9 và bước sang tháng 10 được đi làm lại và các hoạt động được mở trở lại dần dần, thì CBRE dự báo tổng số căn hộ được mở bán tại Tp.HCM trong năm 2021 là khoảng 13.000 căn và tại Hà Nội là khoảng 17.000 căn. Tương ứng với số căn hộ mở bán thì lượng tiêu thụ cũng ở mức khoảng 12.000 căn cho Tp.HCM và 17.000 căn cho Hà Nội. Tất nhiên, những con số này thấp hơn nhiều so với dự báo trước đây của CBRE và thấp hơn nhiều so với số liệu những năm trước đó, kể cả năm 2020. Thời kỳ cao điểm, có những năm chúng ta có đến 35.000 căn hộ được chào bán ở mỗi thành phố, hoặc thấp lắm thì 20.000-25.000, chưa bao giờ xuống thấp như thời điểm này.
Kịch bản thứ hai: Chúng ta vẫn chưa mở cửa dần dần vào tháng 10 mà phải tận đến cuối năm 2021, thì con số căn hộ ra thị trường của Tp.HCM còn giảm nữa.
Khi đó, số căn hộ chào bán tại Tp.HCM trong năm 2021 chỉ còn 8.000 căn và tại Hà Nội là 14.000 căn. Đây là những con số chỉ bằng ¼-1/5 so với những thời điểm cao điểm trước đó.
“Đấy cũng là dự báo khá thận trọng của chúng tôi và chúng tôi nghĩ rằng, con số thực tế cũng không khác xa nhiều so với con số này”, bà Dung nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc giãn cách kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến tổ chức bán hàng. Khách hàng Việt Nam luôn luôn muốn trực tiếp tham dự các sự kiện mở bán, tham quan căn hộ mẫu và nói chuyện với chủ đầu tư liên quan đến bán hàng. Đương nhiên việc kéo dài giãn cách xã hội như giai đoạn hiện nay sẽ khiến cho việc chào bán hàng cũng như mua hàng diễn ra rất là chậm trễ.
Trong hai kịch bản, bà Dung cho hay, CBRE nghiên về kịch bản thứ 2 hơn. Vì nếu được mở cửa dần dần vào tháng 10/2021, thì những sự kiện tập trung đông người vẫn chưa được phép triển khai. Có thể những sự kiện ngoài trời hoặc được phép tụ tập thì cũng không được quá 30 người. Với mức độ tập trung ít người như vậy, những chủ đầu tư có dự án quy mô lớn muốn chào bán thì phải bán theo giai đoạn với số lượng vừa và nhỏ. Mặc dù khá lạc quan về nhu cầu của người dân, về tỷ lệ hấp thụ của một số dự án cá biệt nhưng bản thân người mua cũng phải rất thận trọng.
Nếu nhìn vào 3 tháng trước đây, chúng ta thấy rằng họ có thể vẫn rất lạc quan và còn nhiều nhu cầu. Nhưng mà 3 tháng vừa rồi, rất nhiều người phải làm việc ở nhà, thậm chí không còn tiếp tục công việc như trước đó. Họ sẽ phải suy nghĩ rất thận trọng, kể cả là mua để ở hay mua để đầu tư. Bản thân chủ đầu tư khi chào bán cũng phải thận trọng thăm dò nhu cầu trên thị trường và dần dần họ mới dám đưa ra những sản phẩm với quy mô lớn. Với đều đó, CBRE nghiêng về kịch bản thứ 2, nghĩa là thị trường cả Hà Nội và Tp.HCM sẽ có sự sụt giảm rất lớn về số căn hộ chào bán và số căn hộ bán được.
Theo Nhịp sống kinh tế