Đà Nẵng công bố danh mục 57 dự án thu hút đầu tư; Vì sao đất dự án bỏ hoang tại Hà Nội khó thu hồi; Sốt đất có còn là miếng bánh ngon với nhà đầu tư… là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
Cần lắm chỗ… đỗ xe
Việc tìm kiếm giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng thiếu bãi đỗ xe tại các đô thị đặt ra từ lâu nhưng chưa phát huy hiệu quả khi hệ thống giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… luôn trong tình trạng quá tải, đặc biệt là tại những khu đô thị (KĐT) – nơi tập trung dân cư đông đúc, quỹ đất đang dần bị thu hẹp.
Riêng tại Hà Nội, thực tế, tình trạng thiếu chỗ đỗ xe có thể thấy ngay ở các khu chung cư, nhà tập thể tại các KĐT. Từ lâu nay, KĐT mới Linh Đàm (Hà Nội) đã dần mất đi danh xưng “KĐT kiểu mẫu” khi quy hoạch bị “phá nát” bởi mật độ dầy đặc các tòa nhà cao tầng, không gian sống xung quanh bị thu hẹp, thiếu sân chơi, trường học, hàng quán vỉa hè bày bán lộn xộn…, đáng chú ý là chỗ đỗ xe bị quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu của cư dân, dẫn đến vỉa hè và lòng đường bị biến thành bãi đỗ xe…
Đà Nẵng công bố danh mục 57 dự án thu hút đầu tư
UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 641/QĐ-UBND về việc điều chỉnh danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2020-2025. Theo đó, danh mục này có 57 dự án, trong đó có dự án lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, lĩnh vực Giao thông, cơ sở hạ tầng, logistics có 10 dự án. Trong đó, dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị có tổng vốn đầu tư dự kiến là 12.636 tỷ đồng; dự án đường hầm qua sân bay Đà Nẵng có vốn đầu tư dự kiến 8.228 tỷ đồng; dự án Hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn như hệ thông tàu điện ngầm, hệ thống xe điện bánh sắt Tramway có tổng vốn đầu tư dự kiến 54.500 tỷ đồng.
Vì sao đất dự án bỏ hoang tại Hà Nội khó thu hồi
Ghi nhận của PV Tiền Phong, trên địa bàn quận Hà Đông, có rất nhiều khu đất trống bỏ không cả chục năm nhưng vẫn chưa có tín hiệu khởi động. Đơn cử như trên địa bàn phường Mộ Lao, có cả chục lô đất như vậy. Tại khu đất gồm 3 lô của Cty TSQ Việt Nam trên địa bàn phường Mộ Lao, quận Hà Đông, bao quanh là những căn liền kề khang trang. Một trong số 3 lô đất này hiện là nơi xả rác, tập kết vật liệu gây ô nhiễm môi trường.
Một lô đất khác được tận dụng làm nơi trông giữ phương tiện ngày đêm.Ông Phượng (người dân Mộ Lao) sinh sống ở khu vực này cho biết, thường có nhiều đối tượng nghiện ngập ra vào những khu đất bị bỏ hoang nói trên, gây mất an ninh trật tự. “Với bãi đỗ xe tự phát tại đây, nhiều ô tô đi ra vào thường phi lên vỉa hè rất nhanh, nguy hiểm cho người dân đi bộ ”, ông Phượng bức xúc.
Sốt đất có còn là miếng bánh ngon với nhà đầu tư?
Những cơn sốt đất xảy ra gần đây ở các đô thị lớn lẫn các tỉnh vùng ven ngày càng tan nhanh. Đây là điểm đáng mừng vì nó chứng tỏ sự tỉnh táo của thị trường cũng như cách vào cuộc nhanh chóng, chính xác của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều đáng lo cứ có sốt đất là cuộc sống của người dân lại bị xáo trộn.
Điểm lại một số cơn sốt đất như Phú Quốc năm 2018, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung năm 2019, tiếp đó là Thạch Thất, Hòa Lạc (Hà Nội) rồi Bình Ba (Bà Rịa-Vũng Tàu) năm 2020, mới nhất là Hớn Quản (Bình Phước) đều thấy điểm chung là sự can thiệp mạnh của giới cò đất.
Có thể bạn quan tâm:
Theo CafeLand