Theo dự báo của một số chuyên gia, sau thời gian bị nén quá lâu, có thể một số phân khúc sẽ bùng nổ về giao dịch, cơn sốt đất có thể diễn ra cục bộ ở một số địa phương.
Trong văn bản mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm khi dịch bệnh được kiểm soát và dòng vốn tăng. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cung cấp đầy đủ, kịp thời, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lộ trình triển khai các dự án; phát hiện và xử lý triệt để các đối tượng đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng đất, đá, cát sỏi và các vật liệt xây dựng khác… Trước đó, Bộ Xây dựng cũng công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 2/2021.
Theo đó, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã được kiểm soát sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo, cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng,…). Bên cạnh đó, lượng giao dịch đất nền có xu hướng giảm so với quý trước…
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết thị trường bất động sản cũng đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn một số quy định chồng chéo gây khó khăn trong thủ tục đầu tư, dẫn đến tình trạng thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài gây ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường bất động sản..
Tuy tình trạng sốt đất đã được kiểm soát nhưng theo các chuyên gia, kịch bản sốt đất vẫn có thể tái lại bất cứ lúc nào. Nhất là sau thời điểm dịch được kiểm soát, nhu cầu “bị nén” quá lâu thì các nhà đầu tư sẽ hoạt động sôi nổi trở lại.
Hiện tượng giá đất một số khu vực phía Bắc những ngày qua “nhảy múa” liên tục trước các thông tin có lợi càng khẳng định cho việc, cơn sốt đất nền vẫn đang âm ỉ, chờ cơ hội bùng dậy.
Chẳng hạn như tại Hà Nội dự kiến ban hành quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6/2021 nhưng chưa đầy 1 tuần, giá đất tại các khu vực ven sông Hồng đã tăng gấp 1,5 – 2 lần so với trước đó. Trong khi đó, quy hoạch này đã được đề xuất từ hơn 20 năm trước, và sau mỗi lần điều chỉnh ý tưởng quy hoạch, giá đất cũng được điều chỉnh theo.
Hay mới đây, dự án xây dựng hoàn thiện nút giao Chùa Bộc – Thái Hà mới có thông tin về giá quyết định bồi thường, nhưng chỉ trong vài ngày giá rao bán nhà tại khu vực này đã tăng phi mã, nhiều người rao bán rầm rộ, mức giá đạt đỉnh tới 600 triệu đồng/m2. Giá đất mặt đường phố Chùa Bộc hiện nay được ghi nhận ở mức 150 – 300 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào diện tích, chiều rộng của mặt tiền.
Mặc dù đang trong thời kì giãn cách xã hội tại Hà Nội, không ai đi mua và xem nhà đất vào lúc này, nhưng thông tin tích cực đã tác động đến việc tăng giá bất ngờ, cho thấy, cơn sốt đất có thể đang âm ỉ và chờ cơ hội khi dịch được kiểm soát để bật dậy.
Việc một số trang rao bán tạo sóng để tìm kiếm thông tin người mua lúc này cũng cho thấy, thị trường rất có thể xảy ra kịch bản nóng sốt khi mà người bán tăng cường việc đẩy thông tin có lợi để đánh vào tâm lý các nhà đầu tư.
Trong khi đó tại Tp.HCM, hiện do giãn cách xã hội kéo dài, thị trường ngưng các hoạt động mua bán BĐS do không thể đi lại. Tuy nhiên, thông tin dự án vẫn được các chủ đầu tư, sàn, môi giới tiếp cận khách hàng qua các kênh online. Điều này cho thấy, thị trường BĐS vẫn đang chuẩn bị tâm thế để “bật dậy” ngay sau khi dịch được kiểm soát.
Theo dự báo của một số chuyên gia, sau thời gian bị nén quá lâu, có thể một số phân khúc sẽ bùng nổ về giao dịch, cơn sốt đất có thể diễn ra cục bộ ở một số địa phương. Trong đó, đất nền, nhà phố, căn hộ giá trung cấp, BĐS nghỉ dưỡng được liệt vào các phân khúc “đáng đầu tư” sau khi dịch được kiểm soát.
Theo các chuyên gia, những động thái của Nhà nước hay địa phương về quy hoạch… đều đã và đang bị giới đầu cơ lợi dụng để tung tin, thổi giá đất tạo các cơn sốt đất ảo. Điển hình trong số này phải kể đến việc điều chỉnh phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn, Cần Giờ, Phú Quốc. Mỗi lần địa phương đề xuất điều chỉnh và được Chính phủ phê duyệt thì bất động sản các khu vực này cũng điều chỉnh giá bán theo chiều hướng tăng cao hơn.
Chia sẻ mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, sốt đất luôn diễn ra. Hết cơn sốt này sẽ hình thành cơn sốt khác theo nhịp thị trường. Bởi bản thân sốt đất là hiện tượng thường xuyên xảy ra trên thị trường, ở các khu vực có xu hướng phát triển về hạ tầng, quy hoạch mới…
Theo ông Kiệt, sốt đất dựa trên việc đất đai bị đẩy giá cao so với thực tế trong khoảng thời gian ngắn; lượng mua bán diễn ra liên tục. Theo đó, trong tương lai, các cơn sốt này còn diễn ra, có thể không diễn ra ngay sau khi dịch được kiểm soát, nhưng sẽ âm ỉ và diễn ra sau đó.
Theo Nhịp sống kinh tế