Theo chuyên gia, sóng bất động sản không bao giờ yên lặng, nó sẽ nhấp nhô, nhưng nhấp nhô hình sin biên độ lớn hay nhỏ thì khác nhau. Cũng có ý kiến cho rằng, năm 2022 rất khó có ‘cơn sốt’ như đã từng thấy trên thị trường…
Trước câu hỏi, năm 2022, thị trường bất động sản có xuất hiện những cơn “sốt” đất không, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, khó có ‘cơn sốt’ mạnh như đã từng thấy trên thị trường thời gian qua; có thể sẽ vẫn còn ‘sóng’ nhấp nhô nhưng không mạnh, không ghê gớm…
Cụ thể, theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, về cơ bản giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã trôi qua, do đó bức tranh thị trường bất động sản 2022 sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại. Chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030 đang hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh với hàng loạt dự án đầu tư công được thúc đẩy; pháp lý dự án đã và đang được tháo gỡ; tốc độ đô thị hóa gia tăng theo kế hoạch, từ 45% năm 2025 lê 50% năm 2030… thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá là sẽ có nhiều lực đẩy để hướng đến phát triển tích cực.
Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, ‘sóng’ bất động sản không bao giờ yên lặng, nó sẽ nhấp nhô, nhưng nhấp nhô hình sin biên độ lớn hay nhỏ thì khác nhau.
“Năm 2021 biên độ nhấp nhô tương đối lớn do quy hoạch, thông tin nhiều khi là tin đồn nhảm, do một số nhà đầu cơ cố ý tung tin. Nhưng đến năm 2022-2023, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ và các địa phương có nhiều kinh nghiệm hơn để quản lý, kiểm soát tốt hơn việc này. Bản thân nhà đầu tư đã ý thức hơn, nhận thức rõ hơn về những rủi ro mang lại vì thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư mất tiền”, ông Lực nói.
Hiện các thông tin càng ngày càng công khai minh bạch hơn, kể cả thông tin quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng… Vì thế, ông Lực cho hay, khả năng làm giá của chủ đầu tư, nhà đầu cơ sẽ ít hơn rất nhiều.
“Có thể sẽ vẫn còn sóng nhấp nhô nhưng không mạnh, không ghê gớm như một vài năm vừa qua đã chứng kiến”, ông Lực nhận định.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho hay, nên xem xét lại những đợt ‘sốt’ giá xem bản chất là do nguồn cung hay do thay đổi hạ tầng. Nếu nhìn từ những lý do để tạo ra sốt đất, ông Nghĩa cho rằng, sang năm 2022 có những lý do đã mở hết rồi, đơn cử như hạ tầng kế hoạch phát triển đã mở, năm 2022 rất khó có điểm nóng hạ tầng nào đó để tạo sốt. “Năm 2022 chỉ có vấn đề liên quan đến tháo gỡ cho chủ đầu tư về pháp lý; ngay tại TP.HCM cũng chỉ có ưu tiên một số lĩnh vực trọng yếu. Số dự án, tín hiệu để tạo ra cơn ‘sốt’ ở góc độ đầu tư không rõ ràng trong năm 2022. Chiến lược giá từ góc độ chủ đầu tư, người đầu tư cá nhân tôi cho rằng sẽ ổn định, tăng trưởng thấp, ít có đợt biến động hay đợt làm giá theo khía cạnh hấp dẫn mang tính thị trường”, ông Nghĩa nhận định.
Vì thế, ông Nghĩa cho rằng, năm 2022 rất khó có những cơn sốt như đã từng thấy trên thị trường kiểu như bơm giá, thổi giá, đẩy giá…
Dự báo thị trường bất động sản năm 2022, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, khả năng phục hồi nền kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam trong trạng thái bình thường mới, có sự nỗ lực của hệ thống quản lý dịch bệnh là tươi sáng.
Tuy nhiên, ông Đính cho rằng, nguồn cung trên thị trường chưa có nhiều cải thiện, nguyên nhân do thủ tục đầu tư vẫn chưa thể tháo gỡ triệt để vướng mắc, nhất là Hà Nội và TP.HCM.
Xu hướng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng ở mức cao do nguồn cung yếu. Đất nền và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tiếp tục được các nhà đầu tư quan tâm nhiều; bất động sản công nghiệp sẽ tăng trưởng tốt; bất động sản bán lẻ sẽ ổn định và xu hướng sẽ tăng trưởng.
Infonet