Bị cuốn theo cơn “sốt đất” hồi đầu năm 2021, không ít người bỏ tiền tích cóp ra mua đất nhằm “lướt sóng” kiếm lời, có người ham giá rẻ đã mua miếng đất ở nơi hoang vu rồi lâm cảnh bán không được giữ không xong.
Nhà đầu tư mắc kẹt tại lô đất hoang vu
Sau nhiều năm đi làm, thu nhập chỉ khoảng 25 triệu/tháng nhưng do biết cách chi tiêu, sau 5 năm đi làm, anh Tạ Hữu Phú (32 tuổi) đã có khoản tiết kiệm tầm 500 triệu đồng. Có một số vốn tạm ổn, anh tính chuyện mua đầu tư nhà đất vì thấy đây là kênh sinh lời cao, không sợ mất vốn bởi nếu không muốn bán thì đất vẫn còn đó chứ không mất đi như chứng khoán hoặc giảm giá mạnh như vàng.
Sau khi tìm hiểu nhiều môi giới và các sàn, anh Phú nhận thấy mua đất ở ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận, rồi chờ lướt sóng sẽ có khả năng thu lợi cao hơn mua chung cư.
Đầu năm 2021, anh Phú cùng một người bạn góp chung tiền mua một nền đất 120m2 với giá hơn 800 triệu đồng tại Bắc Giang, cách khu công nghiệp Bắc Lũng khoảng 4 – 5km.
“Miếng đất tôi mua thuộc một dự án phân lô bán nền. Từ đây đi đến khu dân cư hiện hữu chưa đầy 1km. Tôi hy vọng, khi khu công nghiệp được xây dựng sẽ nhanh chóng thu hút các công trình nhà ở. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, xung quanh miếng đất tôi mua vẫn chưa có ai về đó xây nhà cả, dù các con đường nội bộ đã hình thành.
Tôi nghe nói, chủ đầu tư vẫn còn nhiều hàng chưa bán được, đồng nghĩa với khả năng người về đây ở càng chậm, nên chẳng biết đến bao giờ tôi mới có thể bán nền đất đó. Vả lại, dịch bệnh kéo dài, cả tôi và người bạn công việc bị ảnh hưởng đã thất nghiệp 2 tháng nay, nếu không thu hồi vốn để chi tiêu thì cuộc sống sẽ khó khăn. Tôi cũng đã đăng tin rao bán đất suốt 2 tháng nhưng chưa có ai thèm hỏi mua”, anh Phú chia sẻ.
Cũng trong cơn “sốt đất” vừa qua, anh Đoàn Văn Trung (Mễ Trì, Hà Nội) cũng tham gia thị trường theo bạn bè rủ rê vì nghe nói một lần trúng đất kiếm lời tốt hơn để tiền kinh doanh thứ khác.
Anh Trung cho hay, thời điểm đầu năm theo một nhóm nhà đầu tư về Quảng Ninh để săn đất khu vực TP. Hạ Long. Theo thông tin anh nghe ngóng được thì này do việc sáp nhập Huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long, cùng với khởi công 2 cây cầu bắc qua vịnh Cửa Lục.
Khi trực tiếp tham gia, anh mới thấy dân đầu tư đã “cày nát” thị trường từ trước đó khá lâu, giờ giao dịch phần nhiều là mua sang tay từ người cũ với giá chênh 60 – 70%.
Tuy nhiên, vì không muốn hưởng lợi từ giá chênh, anh cùng vài người bạn đã tự tìm đến các mảnh đất của người dân ở xã Thống Nhất với hi vọng có thể mua được giá đất tận gốc và bán ra với số tiền lãi cao hơn.
Theo đó, miếng đất diện tích 120m2, anh Trung mua tận gốc chỉ có khoảng 650 triệu đồng từ tay người dân, kỳ vọng bán ra có thể gấp 2 lần. Thực tế là chỉ trong 2 tuần sốt nóng, anh Trung thu về lãi đến 500 – 700 triệu đồng/mảnh.
Vẫn chọn cách đầu tư này, anh Trung mua tiếp một mảnh đất của người dân gần thị xã Quảng Yên với giá 800 triệu đồng, nhưng có lẽ may mắn đã không mỉm cười với anh. Mảnh đất anh Trung mua nằm ở nơi cánh đồng rộng và hoang vu. Khi sốt đất qua đi, thị trường nguội lạnh, mảnh đất anh muốn bán để thu hồi vốn cũng không ai muốn mua.
“Bây giờ giữ một lô đất với giá mua vào chênh vài trăm triệu đồng so với giá trị thật, khi hết sốt không thể bán cho ai, đành cắn răng chờ đợi xem tình hình sắp tới có gì khả quan hơn không”, anh Trung tâm sự.
Nhà đầu tư cẩn trọng khi lao vào “sốt đất”
Với kinh nghiệm của mình, ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản nhớ lại đầu năm 2021 – khi có thông tin “sốt đất” ở Hớn Quản do quy hoạch sân bay Técníc (Bình Phước), ông Chánh có đi lên trên đó. Sau khi điều tra, nghiên cứu, ông có đến một dự án là một trung tâm thương mại ở Bình Phước.
“Có người chỉ cho tôi một lô đất và nói rằng: “Anh mua đi, đất tốt lắm. Có nhiều người đang đổ dồn về đây để mua”. Tôi hỏi bao nhiêu tiền, chị nói trước Tết có người hỏi nhưng không bán, bây giờ đang cần bán lại với giá 3,4 tỷ đồng. Đó là lô đất phía trong. Rồi chị chỉ cho tôi lô phía ngoài rồi nói: “Đây là lô góc, tôi chính chủ ở đây. Nếu anh mua luôn, tôi bán cho anh 4 tỷ đồng”. Tôi xin số điện thoại và hẹn liên lạc lại sau”, ông Chánh kể.
Bằng các nghiệp vụ điều tra bất động sản, ông Chánh biết lô đất góc mà chị kêu bán giá 4 tỷ đồng đó, trước Tết người ta rao chỉ có một tỷ đồng thôi. Có nghĩa là chỉ sau 3 tháng, lô đất tăng 400%.
Theo vị chuyên gia này, sau đợt nóng sốt, mặt bằng giá bất động sản tại nơi đó đã lên rất cao và đôi khi phi thực tế, tách biệt khỏi quy luật về giá cả, giá trị. Chúng ta hay nói giá trị bất động sản sẽ được phản ánh qua giá cả, nhưng trong trường hợp nóng sốt, giá cả bị tách ra, cách ly khỏi giá trị rồi. Rất nguy hiểm cho những nhà đầu tư lao vào những vùng đất nóng sốt.
Theo đó, lời khuyên của ông Chánh dành cho những nhà đầu tư mới là không nên lao vào những khu vực nóng sốt, vì thường sẽ mắc kẹt ở đó trong thời gian rất dài.
Còn chuyện có nên đi tìm những vùng đất xa hơn, thì ông khuyên nên đầu tư vào kiến thức và kinh nghiệm để xác định đâu vào những vùng đất có tiềm năng, có lời. Nếu không trả lời được những câu hỏi đó mà xuống tiền, nhà đầu tư có thể gặp thua lỗ hoặc mắc kẹt ở đó rất lâu, do không có tính thanh khoản.
Dân Việt