Thực tế, nhiều doanh nghiệp BĐS “đánh bắt xa bờ”, thậm chí tìm về các vùng xa xôi là một tình thế chứng minh cho việc, họ khó sở hữu quỹ đất trong nội thành.
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, với doanh nghiệp BĐS thì khó khăn chính nằm ở quỹ đất và dự án mới. Quỹ đất của TP.HCM trước đây nhiều doanh nghiệp đã mua từ nhiều năm trước nên giá nhà còn thấp. Nhưng hiện nay, để săn quỹ đất sạch là cực kỳ khó khăn và giá đất quá cao nên khi mở bán sản phẩm thì giá đều rất cao. Do đó, doanh nghiệp phải có năng lực thật sự để làm gia tăng giá trị của dự án để người mua có thể chấp nhận với mức giá họ đưa ra.
Nói thêm về tình hình của doanh nghiệp BĐS hiện nay, vị chuyên gia này cho hay, hiện nay các doanh nghiệp BĐS nhìn chung đang gặp khó khăn. Có hai yếu tố, một là tình hình ra dự án mới không được kể cả phân khúc căn hộ, đất nền. Tại Tp.HCM dù sức mua vẫn còn rất lớn nhưng doanh nghiệp không thể ra dự án mới. Còn thị trường các tỉnh chủ yếu là condotel, BĐS nghỉ dưỡng nhưng cũng gặp khó khăn về pháp lý.
Ví dụ, một dự án có quy mô vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng nếu ra được hàng năm 2018 thì doanh nghiệp sẽ lời 30% nhưng do ảnh hưởng của pháp lý phải đến năm 2019 hoặc 2020 mới ra được dự án thì trong 3 năm đó chi phí đã hơn 1000 tỉ đồng và doanh nghiệp không có lời.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn phải chấp nhận đánh bắt xa bờ. Các doanh nghiệp Việt Nam hơn 20 năm nay vẫn đơn thuần là doanh nghiệp đầu tư dự án nên khi dự án bị tắc nghẽn thì họ gặp khó khăn.
Cùng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế hiện đang gặp khó khăn, kéo theo thị trường BĐS khó khăn.
Áp lực của các doanh nghiệp lớn là buộc đầu tư các dự án lớn. Mà hiện tại Tp.HCM không phát triển các dự án, buộc các doanh nghiệp đầu tư ra các tỉnh. Tuy nhiên, việc đô thị hóa các khu vực, dân cư hóa là vấn đề khó, để người dân chấp nhận mua nơi xa rất khó. Đây cũng là một khó khăn mà các doanh nghiệp BĐS đang gặp phải. Bên cạnh đó, để kiếm được quỹ đất sạch để phát triển dự án quy mô cũng không còn là bài toán dễ dàng ở thời điểm này.
Theo nhiều doanh nghiệp BĐS, hầu hết quỹ đất đã được chuẩn bị trước để phát triển các dự án trong vòng 2 đến 5 năm tới. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng thừa nhận, với giá đất tăng cao trong vòng 2-3 năm vừa qua đã khiến cho việc tìm kiếm, tiếp cận quỹ đất không còn dễ dàng như trước.
Có một thực tế đang diễn ra trên thị trường BĐS đó là: Hoạt động mở rộng quỹ đất của doanh nghiệp BĐS vẫn âm thầm diễn ra, tuy nhiên xét về quy mô, mức độ có phần giảm so với những năm về trước, sự cạnh tranh quỹ đất cũng diễn ra gay gắt hơn. Với cơn khát quỹ đất trung tâm, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm quỹ đất ra vùng ven hoặc các tỉnh thành lân cận nhằm mở rộng địa bàn phát triển dự án.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group từng cho rằng: Khi đất đai tăng giá thì việc chuẩn bị quỹ đất của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn vì chi phí đầu vào tăng và cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Tuy nhiên, để phát triển và đầu tư BĐS chuyên nghiệp trước bối cảnh giá đất leo thang thì các doanh nghiệp cần phải thận trọng trong công tác khai thác quỹ đất phù hợp để đầu tư và chuẩn bị cho chặng đường dài.
“Khi giá đất tăng thì giá bán sản phẩm BĐS chắc chắn bị ảnh hưởng. Theo đó, thời gian tới, giá bán các dự án sẽ điều chỉnh theo hướng tăng”, ông Phúc khẳng định.
Cũng theo vị đại diện một doanh nghiệp địa ốc, hiện nay việc tìm kiếm quỹ đất làm dự án không còn dễ dàng, ngay ở khu vực tỉnh lân cận Tp.HCM. Nhiều doanh nghiệp “dẫm chân nhau” để có được quỹ đất đẹp. Yếu tố này tác động trực tiếp đến nguồn hàng ra của doanh nghiệp, đến hoạt động kinh doanh về lâu dài.
- Giá nhà đất vẫn tăng cao trong đại dịch covid-19
- Đối trọng khu Đông, BĐS khu Tây Sài Gòn vẫn âm thầm bứt phá
Theo Trí thức trẻ