Tiếp nối những khó khăn chưa dứt từ năm 2019, thị trường bất động sản năm 2020 lãnh thêm cú đánh bồi mang tên Covid-19. Từ đầu năm đến nay, nhiều phân khúc bất động sản rơi vào trạng thái giao dịch cầm chừng, hạn chế về nguồn cung lẫn sức mua khi người mua tỏ ra thận trọng trước mọi quyết định xuống tiền.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nhận xét thị trường địa ốc 2019-2020 khá “trầm”, nguồn cung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM hạn chế, giá nhà tăng mạnh. Riêng bất động sản công nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm và có dư địa phát triển.
Theo ông Thành, trước khi có dịch bênh, thị trường bất động sản trong vài năm gần đây đã bộc lộ nhiều vấn đề. Đầu tiên là sự lệch pha về cung-cầu. Các dự án tập trung vào phân khúc trung và cao cấp, nhiều chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở giá bình dân mặc dù nhu cầu ở phân khúc này rất cao.
Bên cạnh đó, khó khăn chung của toàn ngành bất động sản trong hai năm gần đây là giao dịch chững lại do nguồn cung hạn chế, một phần là do những khó khăn từ pháp lý, quy hoạch, chuyển gia đất, hạ tầng, nguồn lực tài chính,..
Tuy nhiên, xét trên bức tranh tổng thể kinh tế, Việt Nam vẫn được xem là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương, khoảng 1,6% trong năm nay và dự báo sẽ tăng khoảng 6,7% trong năm tới.
Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp và không chịu ảnh hưởng quá lớn bởi các chính sách giãn cách xã hội. Bước sang năm 2021, kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ bởi tình hình dịch bệnh dần trở lại bình thường.
Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản được đánh giá có nhiều cơ hội khi nhu cầu cầu thị trường vẫn ở mức cao dù phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn.
Thời gian qua, giá chào bán trên thị trường sơ cấp vẫn trong xu hướng tích cực, tăng ở cả thị trường TP.HCM và Hà Nội. Các phân khúc như bất động sản công nghiệp đang đón nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư ngoại.
Trong khi đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, dù chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, được dự báo sẽ “tăng tốc” nhanh chóng sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các thị trường du lịch mở cửa trở lại.
Ngoài yếu tố thị trường, việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư hạ tầng như một giải pháp thúc đẩy kinh tế được đánh giá sẽ mở ra các cơ hội phát triển cho thị trường bất động sản.
Vậy trong bối cảnh bình thường mới, đầu tư bất động sản có phải là kênh hấp dẫn? Dòng tiền sẽ đổ vào khu vực, phân khúc nào? Làm thế nào để lựa chọn một giải pháp đầu tư an toàn, bền vững? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp tại buổi hội thảo “Bắt mạch dòng tiền đổ vào bất động sản 2021” do CafeLand tổ chức ngày 18/12 tới.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fubright Việt Nam, Thành viên tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ, sẽ chia sẻ góc nhìn về bức trang kinh tế Việt Nam trong năm 2021, đâu là những cơ hội và phải đối mặt với những rủi ro, thách thức gì.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, sẽ có phần tổng kết về thị trường bất động sản trong năm 2020, triển vọng bất động sản năm 2021 với các kịch bản khác nhau của kinh tế Việt Nam và thế giới.
Đồng thời, ông Kiệt sẽ chỉ ra những dịch chuyển trong dòng vốn đầu tư, các chính sách đối với bất động sản các địa phương lân cận các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và cơ hội phát triển của thị trường bất động sản các tỉnh.
Có thể bạn quan tâm:
- Đại lộ kinh tế, tài chính của Bình Dương chính thức được triển khai
- Giá chung cư TP HCM năm 2021 được dự báo tăng tiếp 9%
Theo CafeLand