Khi giá nhà bắt đầu tăng vào mùa hè năm 2020, nhiều chuyên gia cho rằng hạn chế được nới lỏng đã thổi bùng lên nhu cầu bị dồn nén sau nhiều tháng phong tỏa. Xu hướng làm việc tại nhà cũng là lý do khiến nhiều người khao khát sở hữu một không gian rộng rãi và gắn với thiên nhiên cho nhu cầu cân bằng cuộc sống và công việc.
Bên cạnh đó, các biện pháp kích thích kinh tế thông qua việc giảm thuế, giảm lãi suất về mức kỷ lục, và bơm tiền vào thị trường thông qua hàng loạt chương trình hỗ trợ của chính phủ nhiều nước đã khiến đồng tiền trở nên rẻ một cách đáng ngạc nhiên và là cơ hội cho nhiều người muốn sử dụng đòn bẩy tài chính để sở hữu nhà ở. Những chính sách tài khóa trong dịch bệnh này phần nào “vô hiệu hóa” các nỗ lực kiểm soát sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản trong nhiều năm tại nhiều quốc gia.
Tuy vậy, thực tế là nguồn cung nhà ở trên toàn cầu lại đang cạn kiệt do giá nguyên vật liệu tăng và các hoạt động xây dựng bị đình trệ trong thời gian dài. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao khiến việc trả nợ vay thế chấp không còn là phương án khả thi với nhiều người, thổi bùng lên lo ngại của nhiều chuyên gia về việc bong bóng bất động sản đang phình to và có thể nổ tung, tương tự như thời điểm những năm 2008-09.
Trong bối cảnh này, những người trẻ tuổi – lực lượng lao động chính của xã hội – đang phải đối mặt với một vấn đề kép: nguy cơ bị sa thải cao hơn và buộc phải tiếp tục thuê nhà vì lạm phát giá nhà khiến họ không thể đặt chân vào ngôi nhà mơ ước.
Theo báo cáo, người trẻ trong độ tuổi 25-34 chỉ chiếm 45% tổng số người sở hữu nhà ở tại các quốc gia phát triển như Úc. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với con số 58% vào năm 1986, cho thấy số người trẻ đủ khả năng mua nhà đang ngày càng giảm. Ở Mỹ, tỷ lệ này là 31% cho những người dưới 35 tuổi so với số liệu của năm 1995 là 39%. Trong khi đó, bộ phận khách hàng dưới 35 tuổi chỉ nắm giữ 5% tổng giá trị nhà được sở hữu tại Anh và hiện đang phải trả mức giá thuê nhà cao gấp 4, 5 lần so với lãi suất cho vay thế chấp.
Mỹ
Tại Mỹ, thế hệ Millenials (sinh từ năm 1980 đến đầu thập niên 2000) mua được nhà muộn hơn và ít hơn so với cha mẹ họ. Nguyên nhân là do họ phải gánh khoản nợ vay từ thời sinh viên quá lớn, trung bình khoảng 19.000 USD, cao gấp rưỡi so với các thế hệ trước. Không chỉ vậy, những người trẻ thường thích thuê nhà tại các thành phố đắt đỏ để tiện tìm kiếm việc làm và tận hưởng cuộc sống, với mức chi trả cho nhà ở lên đến 30% tiền lương với những người ở độ tuổi 18-34. Điều này khiến việc tiết kiệm để sở hữu những tài sản lớn như nhà ở của giới trẻ càng khó khăn.
Trong khi đó, những người lớn tuổi tại Mỹ đang có xu hướng duy trì quyền sở hữu nhà ở lâu hơn so với trước đây, thay vì bán đi và chuyển tới các viện dưỡng lão do lo sợ lây nhiễm dịch bệnh ở các cơ sở này. Theo khảo sát, tỷ lệ người trên 65 tuổi tại Mỹ sở hữu nhà ở đã tăng lên trong thế kỷ này, nhưng lại giảm ở tất cả các nhóm tuổi khác. Tình trạng này khiến nguồn cung nhà ở thêm cạn kiệt, giá nhà tăng cao và càng chồng chất thêm khó khăn cho người trẻ trong việc mua nhà.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) có trụ sở tại Geneva, tổ chức chuyên tư vấn cho các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, cho biết trong báo cáo mới nhất rằng tất cả các nền kinh tế lớn cần phải lưu ý đến khoảng cách giá bất động sản và tiền lương đang ngày càng xa. BIS cảnh báo rằng, khi những ngôi nhà bình thường nằm ngoài tầm với của những người có mức lương trung bình, nó sẽ gây ra tình trạng bong bóng bất động sản mà có thể nổ tung vào một ngày nào đó.
Anh
Theo đại lý bất động sản Knight Frank, doanh số bán hàng trên toàn nước Anh trong tháng tới có thể đạt mức kỷ lục mọi thời đại. Bất chấp tất cả những xáo trộn do đại dịch gây ra, người Anh vẫn bị ám ảnh về việc sở hữu nhà ở.
Dịch bệnh chỉ càng thúc đẩy thêm mong muốn có thêm không gian tại nhà và cả những ngôi nhà thứ hai tại các điểm nghỉ dưỡng xa thành phố. Điều này càng đẩy giá nhà lên cao, khoét sâu khoảng cách giàu nghèo cũng như bất bình đẳng trong xã hội, nhất là với các gia đình trẻ và những người có thu nhập hạn chế.
Hồng Kông
Tại thị trường nhà ở đắt nhất thế giới, sự thịnh vượng về kinh tế và trình độ học vấn của toàn thành phố được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, nhưng lại thu hẹp cơ hội thăng tiến của người trẻ và làm sâu sắc thêm sự phân tầng xã hội cũng như giảm sút chất lượng cuộc sống.
Nguồn cung nhà ở hạn chế là nguyên nhân khiến giới trẻ tại đây phải cạnh tranh gay gắt để sở hữu nhà riêng với giá cắt cổ, hoặc chấp nhận sống cùng gia đình, hoặc sống trong những căn hộ nano chật hẹp.
Kể từ đầu những năm 1980, chính quyền Hồng Kông đã tiếp tục giải phóng quỹ đất để phát triển các vùng đô thị mới nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở ngày càng lớn do sự gia tăng dân số không ngừng. Vào năm 2019, Cơ quan Cải tạo Đô thị Hồng Kông đã khởi xướng kế hoạch “những ngôi nhà dành cho người mua lần đầu” để thúc đẩy quyền sở hữu nhà ở trong thành phố. Tuy vậy, với tốc độ tăng giá nhà phi mã, ước mơ sở hữu nhà ở của người trẻ vẫn xa vời vợi.
Việc xét duyệt hồ sơ thế chấp nghiêm ngặt, mà các ngân hàng sử dụng để đánh giá liệu người vay có thể đáp ứng các khoản thanh toán thế chấp khi lãi suất tăng hay không, được coi là một trong những trở ngại khó khăn nhất và không thể vượt qua trong kế hoạch mua nhà của giới trẻ. Hơn nữa, khoản đặt cọc quá lớn, trong hầu hết các trường hợp, khiến họ không đủ khả năng chi trả. Đối với những người huy động được nguồn tiền cần thiết, thì chúng lại tạo ra gánh nặng tài chính bổ sung cho các khoản thanh toán thế chấp trong tương lai hoặc các cam kết tài chính khác.
Việt Nam
Phân khúc căn hộ giá rẻ dưới 1,5 – 2 tỷ đồng, vốn được coi là “vừa sức” với người trẻ tại các thành phố lớn tại Việt Nam, lại đang trở nên cực kỳ khan hiếm, thậm chí có xu hướng biến mất. Điều này khiến nhiều người trẻ chấp nhận ở thuê với điều kiện sống hạn chế, hoặc sống cùng gia đình trong những ngôi nhà đa thế hệ.
Theo khảo sát của Savills, 58,3% người trả lời cho biết họ hiện đã mua được nhà riêng, 33,3% đang ở nhà thuê, còn lại đang ở cùng gia đình. Có gần một nửa người đươc hỏi cho rằng vấn đề tài chính do thu nhập nhập thấp khiến họ khó sở hữu nhà riêng. Và gần 30% e ngại không đủ khả năng chi trả nếu vay thế chấp ngân hàng để mua nhà.
Savills cũng cho biết nhiều người trẻ Việt cần có sự hậu thuẫn và hỗ trợ từ phía gia đình mới có đủ khả năng để sở hữu căn nhà cho riêng mình, thay vì chỉ dựa vào thu nhập cá nhân. Đặc biệt, tại hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội, nơi có nhiều người trẻ từ các tỉnh thành tìm đến sinh sống và làm việc, nhiều người mua được nhà là nhờ gia đình hỗ trợ tài chính, thậm chí là được thừa kế.
CafeLand