Đã đến lúc cần điều chỉnh quy hoạch TP.HCM và phải xây dựng hạ tầng, kết nối thành phố phía Đông để đừng biến nơi đây thành một ốc đảo nuôi dưỡng bất động sản.
Thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến thành lập thành phố phía Đông TP.HCM. Đây là một thành phố khởi nghiệp, công nghệ cao, đặc trưng của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng đã có sẵn gồm có 3 quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.
Quy hoạch nhưng không bỏ qua lịch sử
Trong 3 quận nói trên, quận Thủ Đức có hạt nhân là khu đô thị đại học, trong đó có Đại học quốc gia TP.HCM và 18 trường đại học khác; quận 9 có khu công nghệ cao là hạt nhân; còn quận 2 có KĐT mới Thủ Thiêm là trung tâm tài chính. Với diện tích khoảng 200km2 và dân số 1 triệu người có hàm lượng chất xám rất cao, TP.HCM hy vọng “phố Đông” sẽ đóng góp 30% GDP toàn thành phố, tức là bằng rất nhiều tỉnh cộng lại.
Đây sẽ là một dạng như thung lũng Silicon của Mỹ, nơi sẽ phát triển những trí tuệ nhân tạo, những nguồn lực thông minh nhất, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của TP.HCM cũng như cả nước trong kỷ nguyên số.
Tuy nhiên, việc thành lập “phố Đông” không đơn giản là một quyết định hành chính bởi 200km2 này không phải hoàn toàn là đất sạch mà có dân cư, có thành phố và sẽ có những công trình mới. Như vậy, phải làm thế nào để vừa xây dựng phát triển, nhưng cũng có thể bảo tồn những giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, và phải có hệ thống hạ tầng kết nối.
Bên cạnh các hạt nhân như Đô thị Thủ Thiêm, hay các khu công nghệ cao, các trung tâm hành chính và tài chính, nơi đây còn có rất nhiều vùng sình lầy xung quanh, phải quy hoạch để có thể bảo tồn và biến những khu vực này trở thành điểm du lịch sinh thái của TP.HCM.
Ngoài ra, không thể thiếu những khu phục vụ khu công nghệ cao như vành đai xanh, khu chung cư cho các trí thức cao cấp, phải đưa quản trị thông minh và đô thị thông minh vào để phát triển khu vực này.
Đừng chỉ là nơi nuôi dưỡng bất động sản
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là khi thành lập “phố Đông” có được như những kỳ vọng đó hay không. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều dự án khi được đề xuất rất đẹp, thế nhưng hàng chục năm qua vẫn ngổn ngang chưa thành hình. Giờ đây, không thể nói chung chung rằng đây là thành phố của nhân dân, mà phải chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm xây dựng thành phố này, lấy nguồn lực ở đâu để phát triển nó.
Ở Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, để xây dựng thành phố công nghệ cao, nguồn lực này đều đến từ các nhà tư bản trong lĩnh vực khoa học công nghệ, vì họ có thể nhận ra được đầu tư vào lĩnh vực nào để sinh lời, còn nhà nước chỉ quản lý họ bằng chính sách và cơ chế.
Chúng ta đã quen kiếm tiền trên bất động sản mà bất động sản là tài nguyên, không biến giá trị thặng dư thành tư bản phụ thêm. Người ta chỉ tích lũy tư bản khi phát triển công nghệ, phát triển khoa học.
Đừng xem thành phố phía Đông là một “miếng bánh béo bở”, biến nó thành mảnh đất nuôi dưỡng bất động sản và rồi để phân chia cho các nhà đầu tư. Lợi nhuận sẽ sinh ra từ trí tuệ, khoa học công nghệ của thời kỳ 4.0, chứ không phải lấy giá trị thặng dư của đất từ việc chia lô bán nền.
Với tư cách là một chuyên gia, tôi hoàn toàn ủng hộ xây dựng phát triển thành phố công nghệ cao này và tôi mong muốn kết nối hơn nữa với các tuyến metro, Đồng Nai cũng như Sân bay Long Thành. Và nhìn rộng ra, thành phố phía Đông sẽ trở thành một bài học, tạo một bước đi tiếp cho những thành phố khác. Có thành phố phía Đông thì sẽ có các thành phố phía Nam, Quốc Hội, Chính Phủ cần xem xét giúp TP.HCM về Luật.
Không nói đâu xa, khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) đang được quy hoạch để trở thành hạt nhân phát triển khoa học công nghệ cho cả nước. Vậy trong tương lai, khu công nghệ cao này có thể trở thành một thành phố như thành phố phía Đông hay không là một câu hỏi lớn và cần bài học kinh nghiệm đến từ TP.HCM.
Nguồn: batdongsan