Sau giãn cách, mọi sự chú ý của giới đầu tư đang đổ dồn về Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, những nơi được cho là tâm điểm mới của thị trường địa ốc phía Nam.
Dân đầu tư chạy đua đón sóng
Liên tục nhiều tuần qua, nhất là vào dịp cuối tuần, nhiều phòng công chứng tại Đồng Nai, Bình Thuận, đặc biệt là ở Bà Rịa – Vũng Tàu luôn trong tình trạng quá tải khi lượng khách hàng đổ về đây làm thủ tục mua bán nhà đất tăng mạnh. Trao đổi với Batdongsan.com.vn, chị Thu Trang, một nhân viên môi giới tại huyện Đất Đỏ và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, sở dĩ các phòng công chứng ở đây lúc nào cũng đông đúc, một phần do nhà đầu tư nhiều nơi đổ về mua đất, phần khác do nhiều giao dịch đã diễn ra từ trước đợt dịch lần thứ 4 bị kẹt lại nên người mua, người bán tranh thủ đến công chứng giao dịch ngay khi mở cửa.
Chị Trang cho biết thêm, từ khi chính quyền cho phép mở cửa hoạt động trở lại tới nay, lượng khách hàng quay lại thị trường tìm mua nhà đất ngày càng tăng. Không chỉ là khách bản địa mà nhiều nhà đầu tư tại T.HCM và các tỉnh lân cận cũng đổ về săn đất. Giá đất tại các huyện Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc không ngừng tăng, nhiều mảnh đất ở khu vực Đất Đỏ, Châu Đức thời điểm trước dịch rao bán tầm 1-1,2 tỷ đồng/sào, những ngày qua đã tăng lên 1,5-1,6 tỷ đồng/sào, đặc biệt với các dự án đất nền đã có quy hoạch 1/500 còn được giới đầu tư săn lùng ráo riết, chỉ cần có dự án ra hàng là có khách đến tìm hiểu thông tin và hỏi mua.
Việc nóng lên của thị trường BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu còn do sự đổ bộ của các ông lớn. Đáng chú ý trong đó là Tập đoàn Novaland triển khai dự án Bình Châu Onsen (huyện Xuyên Mộc) với quy mô 309 ha, trong đó 280 ha là rừng cây xanh, 11 ha suối khoáng nóng tự nhiên, 5 ha công viên chủ đề và 4 ha công viên nước. Theo thông tin từ chủ đầu tư, đợt này Novaland đưa ra hơn 500 sản phẩm nhà phố và shophouse với mức giá gần 10 tỷ đồng cho nhà phố và gần 16 tỷ đồng cho shophouse. Tuy nhiên ghi nhận từ thị trường cho thấy, nguồn cung này vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu mua của khách hàng.
Bên cạnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Thuận cũng là hai thị trường đang được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Nếu ở thị trường Đồng Nai, nhu cầu của nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào các dự án lớn dọc theo khu vực sông Đồng Nai như Aqua City, Izumi City… thì tại Bình Thuận, đặc biệt là huyện Hàm Tân, khu vực giáp ranh với Bà Rịa – Vũng Tàu, nhu cầu giao dịch đổ mạnh vào loại hình đất nền gần các khu công nghiệp. Theo nhiều nhà đầu tư lâu năm am hiểu thị trường, nguyên nhân khiến đất tại huyện Hàm Tâm được để ý là do đất nơi đây còn thấp hơn so với các khu vực. Mặt khác đây là khu vực dự kiến sẽ có Khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Becamex VSIP Bình Thuận có quy mô gần 5.000 héc ta đang được chuẩn bị đầu tư, do liền kề với Bà Rịa Vũng Tàu – khu vực đang có sự phát triển khá mạnh, dư báo sẽ trở thành tâm điểm trong thời gian tới.
Tâm điểm đầu tư của thị trường phía Nam
Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Thuận đang trở thành những “điểm nóng” nhất trên thị trường BĐS phía Nam và là những địa phương nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư địa ốc sau giãn cách. Báo cáo thị trường BĐS tháng 10/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy, riêng trong tháng 10, nhu cầu tìm mua BĐS tại nhiều tỉnh phía Nam bật tăng mạnh mẽ, trong đó Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận nhu cầu tìm mua nhà đất tăng mạnh nhất, lên đến 73%. Đồng Nai và Phan Thiết cũng là hai thị trường ghi nhận nhu cầu mua tăng hơn 65% so với giai đoạn giãn cách. Trong 8 tháng đầu năm 2021, Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút hơn 945 triệu USD vốn đầu tư, tăng 52% so với cùng kỳ 2020. Hiện Bà Rịa – Vũng Tàu có 498 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 20.095 triệu USD, tập trung chủ yếu tại Xuyên Mộc, Châu Đức, Phú Mỹ, Đất Đỏ, Tân Thành… với tỷ lệ lấp đầy hơn 54%. Không chỉ Đồng Nai hay Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều khu vực lân cận cũng đang xem sân bay Long Thành và cảng Cái Mép là thị trường trọng điểm.
Nhìn nhận về xu hướng phát triển của thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết, với những địa phương sở hữu lợi thế về quy hoạch giao thông, cảng biển, tập trung phát triển các khu công nghiệp quy mô lớn như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai hay Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh ở phía Bắc, sẽ luôn là những thị trường trọng điểm, giàu tiềm năng phát triển và được giới đầu tư quan tâm săn đón. Nhu cầu đầu tư BĐS tăng cao cùng với hệ thống hạ tầng giao thông không ngừng mở rộng, mặt bằng lãi suất ngân hàng tiếp tục ở mức thấp là những lợi thế cơ bản để các thị trường BĐS lân cận thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội hút mạnh dòng tiền đầu tư.
Phân tích ở góc độ quy hoạch, PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM đánh giá, đô thị ở TP.HCM ngày càng quá tải, quỹ đất khan hiếm đẩy giá nhà ngày càng tăng cao. Do vậy, xu hướng giãn dân đô thị sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Trong công tác quy hoạch đô thị, cực Đông Bắc TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đang được đặc biệt chú trọng với sự đầu tư mạnh mẽ vào tuyến metro số 1 kết nối trung tâm TP.HCM với Biên Hòa của Đồng Nai và Tân Vạn. Các trục hạ tầng kết nối vùng tứ giác kinh tế phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… với sân bay Long Thành, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cảng Cái Mép… và sắp tới đây là các tuyến vành đai 1, 2, 3 và 4 đang khẩn trương xây dựng sẽ trở thành bệ phóng cho sự phát triển kinh tế liên vùng nói chung, BĐS khu vực phía Nam nói riêng. Tâm điểm phát triển của thị trường BĐS phía Nam dự báo tiếp tục đổ về các tỉnh vệ tinh phía Đông TP.HCM mà Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu và Bình Thuận sẽ trở thành tam giác vàng trong xu thế phát triển những năm tới.
Theo ThanhnienViet