Theo nghiên cứu, cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe đoạn dài gần 24 km, từ nút giao An Phú đến vị trí giao dự kiến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Đồng Nai). Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31 km giữ nguyên 4 làn như hiện nay.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND Tp.HCM chỉ đạo TP Thủ Đức khẩn trương cung cấp thông tin quy hoạch ở địa phương liên quan dự án mở rộng. Bộ đề nghị địa phương sớm góp ý báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng (xác định khối lượng, đơn giá…) trong tổng mức đầu tư công trình.
Điểm đầu dự án mở rộng cao tốc dự tính nằm sau nút giao An Phú (TP Thủ Đức) – nơi sắp triển khai công trình nút giao 3 tầng. Do đó Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Tp.HCM cung cấp thông tin liên quan quy mô, thiết kế kết nối, kế hoạch xây dựng nút giao này. Ngoài ra, để sớm hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đẩy tiến độ mở rộng cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải cũng muốn Tp.HCM thông tin kế hoạch hoàn thiện tuyến Vành đai 2 cùng các hạng mục trên tuyến.
Theo nghiên cứu, cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe đoạn dài gần 24 km, từ nút giao An Phú đến vị trí giao dự kiến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Đồng Nai). Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31 km giữ nguyên 4 làn như hiện nay.
Riêng hai cầu lớn trên tuyến là Sông Tắc và Long Thành, lần lượt được đề xuất mở rộng lên 10 và 9 làn. Các nút giao trên tuyến cũng được nghiên cứu kết nối đồng bộ với mở rộng cao tốc. Tổng kinh phí thực hiện dự án hiện ước tính gần 13.000 tỷ đồng.
Trước đó, Báo cáo đầu kỳ kết quả nghiên cứu tiền khả thi mở rộng cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận trình Bộ GTVT cho thấy, kinh phí đầu tư mở rộng đoạn 24 km ước tính hơn 11.500 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây đi qua Tp.HCM và Đồng Nai (giai đoạn 1) được đưa vào khai thác năm 2015 quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 20.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, tuyến cao tốc này thường xuyên quá tải, có 52.300 lượt xe qua mỗi ngày đêm và gần đạt ngưỡng 57.000 lượt xe vào dịp cuối tuần hoặc lễ, Tết. Trong khi đó, tuyến cao tốc này chỉ đáp ứng được 44.000 lượt xe theo phương án thiết kế trước đây.
Tuyến cao tốc này là một trong tuyến đường huyết mạch giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP.HCM với các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Ngoài ra, khi hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng sẽ đáp ứng nhu cầu giao thương, vận tải giữa các địa phương. Đồng thời, góp phần đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông khi sân bay Long Thành dự kiến khai thác năm 2025.
Theo Nhịp sống kinh tế