Bất chấp những tác động của dịch bệnh, nhiều phân khúc trên thị trường bất động sản vẫn tăng giá.
Trong một hội nghị mới đây, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, đã đưa ra những thông tin khá tích cực về thị trường bất động sản thời gian qua. Nhiều phân khúc vẫn tăng giá, dù thị trường đang trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh.
Cụ thể, ở phân khúc chung cư, giá bán căn hộ sơ cấp tiếp tục đà tăng trong tương lai. Giá dự kiến tiếp tục tăng do chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao hơn, lượng cầu ổn định và nguồn cung tạm thời còn hạn chế.
Trong đó, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 16%, giá bán căn hộ sơ cấp tại TP. HCM tăng 17%.
Đối với sản phẩm nhà phố và biệt thự, chuyên gia của CBRE cho rằng do nhu cầu mua nhà phố, biệt thự ở mức cao đã tạo triển vọng tăng giá mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển đã tạo động lực cho nguồn cung và giá bất động sản liền thổ tiếp tục tăng tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá bán biệt thự đã tăng 13%, nhà phố tăng 4%, nhà phố thương mại tăng 3%. Trong khi đó, tại TP.HCM, biệt thự tăng 3%, nhà phố tăng 17%, nhà phố thương mại tăng 6%.
Đối với thị trường Bất động sản nghỉ dưỡng, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 trong 2 năm qua song phân khúc này vẫn có những diễn biến tích cực.
Theo đó, tính đến quý 3-2021, Khánh Hòa dẫn đầu về nguồn cung condotel với gần 14.000 căn được tung ra thị trường.
Đáng chú ý, giá bán sơ cấp tăng nhờ nguồn cung mới có vị trí tốt và chất lượng cao. Từ năm 2020 đến quý 3-2021, giá bán sơ cấp condotel ở Phú Quốc đạt mức gần 4.000 USD/m2, tại Khánh Hòa, Đà Nẵng là gần 2.500 USD/m2 và Bà Rịa – Vũng Tàu gần 2.000 USD/m2.
Về nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng, tính đến quý 3-2021, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận và Phú Quốc là những thị trường dẫn đầu về số lượng.
Đặc biệt, giá bán biệt thự nghỉ dưỡng tăng ngay cả trong thời kỳ bị tác động bởi Covid-19, nhất là tại các thị trường cấp 2 như Phú Yên và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong khi đó, năm 2019, giá bán biệt thự nghỉ dưỡng ở Phú Yên chỉ khoảng 1.000 USD/m2 thì từ năm 2020 đến hiện tại, giá bán đã vọt lên gần 3.000 USD/m2.
Bà Dung cho rằng, thời gian qua, thị trường bất động sản đã tạo ra nhiều kháng thể, bằng cách tự thích ứng linh hoạt với xu thế “bình thường mới” thông qua chuyển đổi số, thay đổi chiến thuật kinh doanh với các kênh bán hàng online để đáp ứng nhu cầu người mua nhà.
Đây chính là trạng thái vận động ngầm, sẵn sàng cho những kế hoạch ra hàng mới khi thị trường mở cửa trở lại.
Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, hai mảng bán lẻ và Bất động sản nghỉ dưỡng dù phải đối diện với các khó khăn thách thức trong thời gian qua, song tốc độ tiêm chủng vắc-xin được đẩy nhanh tại Việt Nam cũng như kế hoạch mở cửa lại đường bay quốc tế trong tương lai gần sẽ là đòn bẩy phục hồi cho các mảng thị trường này.
Bên cạnh đó, nhu cầu dồn nén trong thời gian qua từ phía người tiêu dùng sẽ là động lực để hai mảng thị trường này từng bước quay trở lại đà tăng trưởng.
Một nhà đầu tư lâu năm tại Phú Quốc cho rằng động thái mở cửa du lịch không chỉ tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương mà bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng được hưởng lợi, từ đó góp phần vào quá trình phục hồi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch.
Từ phát triển thị trường du lịch sẽ tạo niềm tin và kéo theo lượng lớn các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vốn, công nghệ và đầu tư kinh nghiệm vào thị trường Bất động sản nghỉ dưỡng.
CafeLand