Làn sóng bỏ phố về rừng làm farmstay ngày càng nở rộ khi nhiều người trẻ mơ được sống trong về căn nhà nhỏ giữa núi rừng. Song, ở phiên bản thực tế, những chủ farmstay đôi lúc rơi vào tình cảnh khó chịu vì muôn vàn tình huống oái oăm.
Hơn 2 năm trước, khi những người bạn cùng tuổi bán hết tài sản để bỏ phố về rừng, chọn sống giữa thiên nhiên núi rừng, chị Nguyễn Nhung cùng chồng đã mạnh tay mua hơn 1000m2 đất Thạch Thất, Hà Nội để làm farmstay.
Do công việc văn phòng kín thời gian, lại thêm hai đứa con vẫn phải đi học trường công, chị Nhung và chồng chỉ có thể dành cuối tuần để về farmstay nghỉ dưỡng. Nhưng, cũng bởi người một nơi, của một nẻo mà chị Nhung thường rơi vào tình cảnh đứng ngồi không yên.
Chị chia sẻ: “Cảm giác khó chịu nhất chính là việc mất trộm. Mỗi lần lên, gia đình tôi lại phải đi kiểm tra một vòng xem mất cái gì. Trồng được cây mít dai chi chít thì cuối tuần lên chẳng có mít ăn vì quả chín đã bị vặt mất. Đến cây bưởi ngon cũng bị trộm lấy. Năm ngoái tôi nuôi gà thả tự do trong vườn, nhưng cũng chỉ được một thời gian lại mất. Đồ đạc trong nhà lỡ chẳng may để hớ hênh cũng bị trộm cuỗm mất”.
Vì mất trộm nhiều lần, gia đình chị đã thiết kế rào sắt cẩn thận. “Nhưng không có người thuê trông nom nên thi thoảng vẫn xảy ra trộm. Vì nhà hay mất trộm nên đến nghỉ những ngày cuối tuần tôi cũng cảm thấy hơi sợ. Khu vực này rộng lớn, lỡ xảy ra trộm với cướp sợ không gọi trợ giúp được. Nhưng bao nhiêu tiền của đã đổ vào đây xây dựng, giờ bán lại rất tiếc”, chị Nhung bộc bạch.
May mắn hơn chị Nhung khi trang trại của gia đình mình không phải đối mặt với tình cảnh mất trộm vặt nhưng mỗi mùa mưa bão tới, chị V.H lại thấp thỏm với vườn rau, cây ăn quả trên Hòa Bình.
“Cư tưởng xây nhà, trồng cây là sẽ qua giai đoạn vất vả. Đến hiện tại chỉ có tận hưởng, nghỉ dưỡng, thi thoảng đến thưởng trà, ngắm hoa nhưng mỗi lần đến farmstay sau đợt mưa lớn, tôi và chồng lại còng lưng dọn dẹp “chiến trường”.
Chị H. cho biết, mỗi lần có mưa lớn, farmstay của gia đình chị bị thiệt hại không nhỏ. Những cây ăn quả lâu năm còn bật gốc rễ. Vườn rau mà chị chăm bón mỗi dịp cuối tuần rơi vào tình trạng hỏng, úng, nát.
“Lần đầu tiên đến farmstay sau cơn mưa bão kéo dài, tôi thực sự xót vì mọi thứ cảm giác mọi thứ như tan hoang. Khâu mệt nhất chính là thu dọn và khắc phục sự cố. Đến năm nay, chúng tôi cũng đã cảnh giác, chuẩn bị che chắn nhưng vẫn thấp thỏm lo nếu mưa bão kéo dài thì vẫn có thể ảnh hưởng đến cây và cùng một số vật dụng khác. Có năm vì mưa bão, mà nhiều cây ăn quả còn không thể thu hoạch.”- chị H. nói.
Không ít những người trẻ “vỡ mộng” vì phiên bản thực tế sở hữu farmstay lại không như trong ảnh hay lời chia sẻ màu hồng trên các diễn đàn. Không chỉ là quá trình xây nhà, trồng cây, sắp xếp lại không gian, tiện ích xung quanh mà ngay cả trong khoảng thời gian sống và trải nghiệm, rất nhiều những vấn đề phát sinh xảy ra.
Đặc biệt, với một số gia đình khi điều kiện tài chính chưa cho phép thuê người chăm sóc farmstay hàng ngày, họ phải đối mặt với nhiều vấn đề xảy ra hơn như mất trộm, đồ đạc hay hoa màu hỏng do ảnh hưởng bởi thời tiết.
Anh Mạnh Tập, môi giới chuyên về đất rừng cho rằng, khi xác định mua farmstay để ở, người mua cần khảo sát, tìm hiểu kỹ về khí hậu, đặc tính khu vực dân cư sống tại đó Môi giới này lý giải, vì để ở nên phải biết tập tục của dân cư nơi đó, phải biết hàng xóm ra sao để làm quen. Nếu mua đất tại khu vực dân cư ít, hàng xóm thiếu thân thiện thì ở cũng không thể thoải mái, vui vẻ.
Theo Nhịp sống kinh tế