Nhu cầu nhà ở không ngừng gia tăng, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, thanh khoản tốt, tiện ích dân sinh ngày càng hoàn thiện, sức nóng BĐS tại TP.Thủ Đức được nhận định là sẽ tiếp tục tăng cao kéo theo giá nhà còn leo thang trong thời gian tới.
Nhu cầu mua đổ về TP. Thủ Đức như “nước chảy về vùng trũng”
Số liệu từ nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường đều có chung nhận định, TP. Thủ Đức đang là khu vực dẫn dắt cả nguồn cung và sức tiêu thụ căn hộ của TP.HCM. Theo đó, TP. Thủ Đức chiếm 33% tổng nguồn cung căn hộ mới toàn thành phố. Trong 9 tháng đầu năm, nhờ hàng loạt thông tin tích cực về hạ tầng như đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 3, mở ra liên kết 4 tỉnh thành gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An với tâm điểm là TP. Thủ Đức đang khiến sức nóng thị trường gia tăng. Từ khi thành lập, mức độ quan tâm tìm mua căn hộ TP. Thủ Đức tăng 58% so với cùng kỳ. Loại hình căn hộ cao cấp, tầm giá từ 45-80 triệu đồng/m2 có lượng quan tâm tăng 50%. Nếu so với khu vực trung tâm TP. HCM, nhu cầu tìm mua căn hộ tại TP. Thủ Đức hiện cao gấp đôi, nhất là ở mảng nhà ở trung – cao cấp.
Lý giải yếu tố khiến BĐS tại TP.Thủ Đức hấp dẫn người mua, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam nhận định, dòng vốn đổ về TP. Thủ Đức trong những năm gần đây giống như quy luật “nước chảy về chỗ trũng”. Thành phố này hiện đang là tâm điểm liên kết vùng của tứ giác kinh tế phía Nam. Không chỉ là hạt nhân kinh tế của TP.HCM mà còn là cửa ngõ kết nối giữa các thị trường đang có nhu cầu nhà ở cao là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Chỉ tính riêng Khu công nghệ cao quận 9 đã có hơn 140 dự án với tổng đầu tư hơn 7 tỷ USD, có làng đại học với 100.000 sinh viên, hơn 2.000 giảng viên trình độ tiến sĩ… Nhìn theo hướng này, 3-5 năm tới tiềm năng và nguồn cầu nhà ở cho TP. Thủ Đức sẽ chỉ tăng chứ khó mà giảm.
Cùng với việc thành lập thành phố mới, dòng vốn quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ tiếp tục chảy mạnh vào nơi đây. Ước tính Chính phủ sẽ chi 300.000 tỷ đồng trong 10 năm tới để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia kết nối TP. Thủ Đức với các đô thị vệ tinh như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, đường vành đai 3, cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm, tuyến Metro số 1… Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy bất động sản tiếp tục tăng trưởng.
“Xét trên các đô thị có xu hướng phát triển tương tự như Thượng Hải, Seoul, sau 5-10 năm nữa, năng suất lao động của TP. Thủ Đức sẽ gấp 3 lần năng suất lao động của TP.HCM, với dân số và lực lượng lao động chiếm 10% của thành phố, trở thành nền kinh tế thứ 3 cả nước. Tiềm năng tăng giá BĐS tại đây sẽ còn tăng rất mạnh”, ông Đinh Minh Tuấn nhận định.
Sức nóng BĐS TP. Thủ Đức vẫn trên đà tăng trưởng mạnh
TP. Thủ Đức đang bước vào chu kỳ bùng nổ về giá bán. Việc thành lập thành phố Thủ Đức cùng với sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị đã thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư. Điều này đã góp phần đưa mức giá chào bán trung bình các dự án BĐS mở bán gần đây lên 85,9 triệu đồng/m2. Tốc độ tăng giá bán căn hộ ở khu vực này cũng ghi nhận trung bình 48%/năm, trong 2 năm qua. Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, mặc dù ảnh hưởng bởi 2 đợt dịch bùng phát mạnh nhất tại TP.HCM, nhưng giá bán ngày càng lên cao hơn. Điều này cho thấy tính thanh khoản của BĐS TP. Thủ Đức đang ở mức rất cao. Từ mức 35 triệu/m2 năm 2019 hiện lên mức trung bình 60 triệu/m2, tăng gấp 2 lần trong 2 năm.
Sức nóng của TP. Thủ Đức được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh tình trạng khan hiếm sản phẩm nhà ở của TP. HCM ngày càng trầm trọng. Tính riêng 9 tháng đầu năm, cả thành phố chỉ có khoảng 7.500 căn hộ mở bán, giảm khoảng 36% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới nguồn cung nhà ở vẫn chưa có nhiều cải thiện khi số lượng dự án mới được cấp phép triển khai khá hạn chế. Nguồn cung sản phẩm sẽ tập trung ở một số chủ đầu tư và các dự án có quy mô lớn, dài hạn.
Giá BĐS TP. Thủ Đức đang trên đà tăng nhưng theo chuyên gia, đây chỉ mới là mức khởi điểm. Nếu phát triển đúng hướng, sau 5 – 10 năm nữa, năng suất lao động của TP. Thủ Đức sẽ gấp 3 lần năng suất lao động của TP.HCM, với dân số và lực lượng lao động chiếm 10% của thành phố, giá trị đóng góp GRDP là 30%, tương đương 6,6% GDP của Việt Nam, trở thành nền kinh tế thứ 3 cả nước, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. Một khi TP. Thủ Đức đẩy mạnh triển khai các hệ thống hạ tầng, dịch vụ, dân cư và kinh tế, làn sóng đầu tư ngoại, triển khai phát triển TP. Công nghệ ra đời… giá sẽ biến động vượt cả khu vực trung tâm.
Theo ThanhnienViet