Đây là một trong các tỉnh phía Nam đang được nhắc nhiều ở thời điểm này vì những lợi thế nổi bật về làn sóng BĐS công nghiệp. Vậy, thị trường nơi đây đang có gì dưới góc nhìn của nhà đầu tư (NĐT)?
Đầu năm 2020 thu hút gần 220 triệu đô từ các khu công nghiệp
Thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế Long An, trong 5 tháng đầu năm 2020, tỉnh này có 56 dự án mới đầu tư vào các khu công nghiệp. Cụ thể có 41 dự án FDI và 15 dự án trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư cấp mới 219,5 triệu USD và 688 tỉ đồng. Đồng thời có 37 dự án điều chỉnh tăng vốn 48,2 triệu USD và 2.341 tỉ đồng.
Trong đó, riêng tháng 5/2020, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút đầu tư 11 dự án mới. Trong đó có 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 4 dự án trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư cấp mới 12,6 triệu USD và 275 tỉ đồng.
Như vậy, đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút 1.588 dự án đầu tư, gồm 786 dự án FDI và 802 dự án DDI. Tổng số vốn đầu tư (đầu tư mới và tăng vốn) trên 4.468 triệu USD và 89.532 tỉ đồng.
Theo đơn vị này, hiện đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng để từ nay đến hết năm 2020 có thêm ít nhất 3 khu công nghiệp có thể thu hút nhà đầu tư trực tiếp sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, theo thông tin từ Sở Công Thương Long An, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2018. Rõ ràng, nơi đây đang có lợi thế rất lớn về khu công nghiệp. Đáng nói, ngay sau thời gian giãn cách xã hội được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành khởi công khu công nghiệp tại Long An, nhằm đón sóng dịch chuyển, mở rộng sản xuất của các NĐT nước ngoài.
Bất động sản Long An hưởng lợi từ làn sóng đầu tư vào khu công nghiệp
Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường BĐS khu công nghiệp tại Việt Nam. Các thị trường vệ tinh Tp.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu đang được hưởng lợi rõ nét từ làn sóng này. Trong đó, Long An đang được xem là một lựa chọn mới bên cạnh hai khu vực đầu tư công nghiệp truyền thống là Bình Dương và Đồng Nai.
Theo ghi nhận của JLL, mức tăng trưởng giá thuê tại thị trường BĐS Long An đang ở mức cao nhất nhì so với các thị trường BĐS công nghiệp truyền thống phía Nam. Hiện giá thuê đất khu công nghiệp tại Long An đứng thứ hai trong nhóm thủ phủ khu công nghiệp miền Nam, vượt qua ngưỡng 100 USD/m2/chu kỳ thuê.
Với ưu thế là địa phương nằm trong vùng tam giác vàng đón xu thế giãn dân của Tp.HCM, sở hữu lợi thế về quỹ đất rộng, mặt bằng giá đất còn khá thấp, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông đã giúp Long An trở thành “thỏi nam châm” hút nguồn nhân lực từ các địa phương trên cả nước đổ về lập nghiệp. Đây chính là tiền đề quan trọng để thúc đẩy các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển. Từ đó, kéo theo sự tăng trưởng của BĐS nhà ở.
Ghi nhận cho thấy, bên cạnh phân khúc đất nền là chủ đạo thì những năm gần đây BĐS Long An đã và đang đa dạng các phân khúc sản phẩm để hút nhu cầu ở lẫn đầu tư. Chẳng hạn như shophouse, nhà phố, biệt thự, nền nhà phố…với nhiều diện tích khác nhau trong các khu đô thị được đầu tư bài bản về hạ tầng, tiện ích sống. Trong đó, bên cạnh các thị trường quen thuộc như Đức Hòa thì xu hướng đầu tư BĐS đón sóng nhu cầu đang tập trung mạnh về khu vực Cần Đước, Cần Giuộc…- nơi có giá BĐS còn khá mềm, dư địa tăng giá vì thế còn rộng lớn.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó giám đốc CBRE Vietnam cho rằng, thị trường BĐS tỉnh lân cận Tp.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển của cả doanh nghiệp BĐS lẫn người mua. Trong đó, phần lớn khách hàng mua các dự án BĐS tỉnh lân cận đến từ Tp.HCM, điều đó có nghĩa là nhu cầu tìm kiếm BĐS ven Sài Gòn của các NĐT còn khá lớn. Dự báo nhu cầu nhà ở sẽ tăng mạnh nhằm phục vụ các khu công nghiệp và chiến lược giãn dân của Tp.HCM sẽ “kích hoạt” một dòng vốn lớn đổ vào BĐS Long An.
Cùng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp BĐS cho rằng, BĐS Công nghiệp và BĐS nhà ở luôn song hành cùng nhau. Cơ hội cho BĐS công nghiệp tăng tốc cũng chính là cơ hội cho BĐS nhà ở phát triển mạnh. Tại các địa phương tập trung các khu công nghiệp có quy mô lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Long An…đều hình thành các khu dân cư, khu đô thị mới trong bán kính gần 5-10km tạo nên một hệ sinh thái đầy đủ phục vụ cho nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, giải trí của đông đảo lao động làm việc tại các khu công nghiệp trong đó có cả đội ngũ chuyên gia và các thành phần lao động.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, đó phải là câu chuyện phát triển đồng bộ và song hành dựa trên đánh giá kỹ về nhu cầu thực về nhà ở tại các khu công nghiệp để có giải pháp quy hoạch và phát triển dòng sản phẩm phù hợp.
- Nhà siêu mỏng, siêu méo tái xuất ở Hà Nội
- Bà Rịa – Vũng Tàu sửa đổi, bổ sung quy định về tách thửa đất
Theo Trí thức trẻ