Năm 2019 và nửa đầu năm 2020, thị trường bất động sản Việt Nam liên tiếp đối mặt những khó khăn do động thái siết chặt cấp phép dự án và siết chặt dòng vốn tín dụng của cơ quan chức năng, kế đó là “cú bồi” Covid-19. Thế nhưng bất chấp khó khăn, bất động sản công nghiệp vẫn có những bước phát triển mạnh mẽ.
BĐS công nghiệp – phân khúc hấp dẫn nhất giai đoạn tới
Tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2020 do Tạp chí Thương gia tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, sau giai đoạn phát triển nóng 2014-2019, thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Trong nhịp chững lại, bất động sản công nghiệp nổi lên là một điểm sáng, là phân khúc có đà phát triển tốt nhất của thị trường. Nguyên nhân là bởi Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới, nhiều hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực, môi trường đầu tư – kinh doanh liên tiếp được cải thiện, nguồn lao động trẻ, dồi dào và chi phí thấp…
Ông Hà nhấn mạnh, trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang trở thành một trong những trung tâm về công nghiệp của Đông Nam Á, hấp lực mạnh dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam cần có những sách lược và chiến lược cụ thể để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao. Sách lược và chiến lược ấy là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy nhanh và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại những công trình trọng điểm; đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động; rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển bất động sản công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện.
Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Phương – Chủ nhiệm Câu lạc bộ ban quản lý các Khu công nghiệp, Khu kinh tế; Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương nhận định đây là thời cơ tốt để Việt Nam bứt phá, trở thành điểm sáng thu hút các dòng vốn đầu tư. Ông Phương nhấn mạnh bất động sản công nghiệp đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng” khi thời gian qua Việt Nam liên tiếp ký kết các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA. Tuy nhiên, để thu hút được dòng vốn đầu tư với sự hiện diện của các ông lớn kèm theo các doanh nghiệp phụ trợ thì Việt Nam cần có quỹ đất sạch. Ngoài ra, nhà nước cần chú trọng đến các chính sách hỗ trợ cho bất động sản công nghiệp phát triển. Trong quá trình thu hút vốn, cần lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng. Đây là yếu tố quan trọng để có thể tận dụng được triệt để những cơ hội sắp tới.
Khu công nghiệp sinh thái – mô hình tương lai của khu công nghiệp
Sự bùng nổ của bất động sản công nghiệp khiến mô hình khu công nghiệp cũ vốn chỉ chú trọng nhà máy, xưởng sản xuất, bỏ qua yếu tố môi trường trở nên lỗi thời. Tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng khu công nghiệp sinh thái sẽ là mô hình tương lai của khu công nghiệp. Bà Lê Thanh Thảo cho biết, Đại diện Quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc – UNIDO tại Việt Nam cho rằng khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến lợi ích cả về kinh tế, môi trường và xã hội. Một khu công nghiệp phát triển theo mô hình sinh thái sẽ giảm được chất thải ra môi trường, tạo môi trường lao động lành mạnh cho người lao động. Từ đó góp phần tăng năng suất lao động. Phát triển khu công nghiệp sinh thái còn giúp các doanh nghiệp nhận được sự ủng hộ của người dân tại địa bàn họ hoạt động, cải thiện mối quan hệ với cộng đồng. Những yếu tố này góp vai trò không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp.
Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch Công ty Cổ phần Shinec cho biết trên thế giới, mô hình khu công nghiệp sinh thái đã phát triển mạnh mẽ. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được mô hình này. Các khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, hài hòa với mạng lưới an sinh nông thôn khi làm theo tiêu chuẩn của nhà nước, cung cấp dịch vụ chuẩn mực từ viễn thông đến xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy, xử lý các sự cố, hệ thống nhà ở cho cán bộ công nhân viên… Ông Điệp nhấn mạnh khu công nghiệp sinh thái sẽ không đơn thuần còn là nơi sản xuất, làm việc mà có thể trở thành một khu trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Ở đó sẽ có doanh nghiệp chuyên trách xử lý nước thải, thu dọn rác công nghiệp, cung ứng thực phẩm, có hệ thống chợ ẩm thực, siêu thị giá rẻ, vườn hoa, công viên, khu vui chơi giải trí….
Nguồn: batdongsan