Theo quy hoạch, đất xây dựng công trình dịch vụ du lịch vịnh Quy Nhơn có tổng diện tích 30,34 ha. Trong đó, nhiều điểm du lịch trên biển được quy hoạch cụ thể, không gian ven biển và cảnh quan cũng được bố trí khoa học.
Ngày 18/10/2016, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định 3676 phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 không gian du lịch vịnh Quy Nhơn. Theo đó, đất được quy hoạch xây dựng công trình dịch vụ du lịch có tổng diện tích 30,34 ha. Nhiều điểm du lịch trên biển được quy hoạch cụ thể, không gian ven biển và cảnh quan cũng được bố trí khoa học…
Đặc biệt, quyết định cũng chuyển đổi mục đích sử dụng một số khu đất sang đất dịch vụ du lịch. Các khu đất này gồm, khu đất Bảo tàng tổng hợp Bình Định (0,4ha); Nhà khách 28 Nguyễn Huệ (nâng cấp) 0,26ha; Nhập 2 thửa đất Trường Cao đẳng Y tế Bình Định và Kho Công ty cổ phần Du lịch Bình Định (0,65ha);
Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh (0,32ha); Ban Chỉ huy quân sự thành phố Quy Nhơn (0,56ha); 2 khu đất Hải đoàn biên phòng 2 và Trường Tiểu học Hải Cảng hoán đổi đất Công ty cổ phần May Bình Định (0,66ha); Khu đất Bệnh xá K200 (1,08ha); Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn (chuyển đổi một phần) với diện tích 4,1ha; Bệnh viện Quân y 13 (7,2ha)…
Sau quyết định này ngày 10/10/ 2019, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ban hành Quyết định số 3663/QĐ-UBND về việc phê duyệt bổ sung, điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Không gian du lịch vịnh Quy Nhơn. Theo đó, điều chỉnh chức năng sử dụng đất 03 khách sạn ven biển (khách sạn Hải Âu, Hoàng Yến và Bình Dương) thành đất công viên công cộng phục vụ sinh hoạt cộng đồng.
Cụ thể, công trình khách sạn Hải Âu, khách sạn Hoàng Yến phải giải tỏa, di dời chậm nhất đến hết thời hạn thuê đất của từng dự án để tạo không gian công cộng, sinh hoạt cộng đồng, không bị che khuất tầm nhìn toàn tuyến công viên ven biển; khách sạn Bình Dương di dời theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Được biết, để đẩy nhanh quá trình xây dựng không gian du lịch vịnh Quy Nhơn đã được phê duyệt thời gian gần đây, UBND tỉnh Bình Định đã có nhiều văn bản đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng và tìm chủ đầu tư cho các dự án.
Đối với 3 khách sạn phải di dời, mới đây nhất, 7/4/2020 UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 2185 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận căn hộ khách sạn và cho thuê đất để di dời các khách sạn ven biển Quy Nhơn. Trong đó, đáng chú ý là việc tỉnh Bình Định đề nghị hướng dẫn để cho các doanh nghiệp thuê đất công không qua đấu giá để xây dựng khách sạn tại vị trí mới.
Về khu đất Bệnh xã K200 có vị trí đắc địa 1 mặt nằm sát biển trên đường An Dương Vương, 1 mặt nằm trên đường Nguyễn Trung Tín, ngày 20/7/2020 Sở Tư pháp tỉnh Bình Định đã có thông báo số 421 về việc công khai thông tin đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Theo đó, mục đích sử dụng đất để xây dựng Khu khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại dịch vụ. Khu đất được Nhà nước cho thuê đất trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất với giá khởi điểm là hơn 218 tỷ đồng. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm.
Trước đó, 30/9/2019, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định đã thông báo kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án tại khu đất số 1 đường Ngô Mây, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn. Đơn vị trúng đấu giá là liên doanh Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ AKYN (TP Hồ Chí Minh) và Công ty CP đầu tư 559 (ở Đà Nẵng) với số tiền hơn 126 tỷ đồng. Theo quy hoạch, mục đích sử dụng đất tại khu đất nói trên là xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp (5 sao). Nhà nước cho thuê đất trả tiền 1 lần theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, thời gian thuê đất 50 năm.
Ngoài những khu đất được đấu giá quyền sử dụng đất nói trên, mới đây Bình Định cũng đã “tìm được chủ mới” cho một số lô đất vàng “vàng” nằm trên đường Lê Duẩn, khu đất rộng 2.600m2 của nhà khách Thành ủy Quy Nhơn.
- Sắp có thêm một khu đô thị và một cụm công nghiệp tại Đồng Nai
- Bình Dương chuyển 346ha đất trồng cao su sang làm khu công nghiệp
Theo Nhịp sống kinh tế