Tăng “quá nhanh, quá nguy hiểm”, giá nhà Việt Nam cao gấp 20 lần thu nhập; 1.300 nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại TP.HCM được khởi công trong tháng 4; Một số chủ đầu tư có biểu hiện giữ đất, chờ lên giá; Đà Nẵng yêu cầu rà soát việc cho nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất… là những thông tin nóng tỏng tuần qua.
Tăng “quá nhanh, quá nguy hiểm”, giá nhà Việt Nam cao gấp 20 lần thu nhập
Trong báo cáo HoREA cho rằng thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền) và nhà ở xã hội. Đây là hai loại nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị.
Do thiếu cung trong lúc tổng cầu rất lớn, mà theo quy luật cung-cầu đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Điều này biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở. Trong khi so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.
Đà Nẵng yêu cầu rà soát việc cho nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất
Đó là một trong số nhiều nội dung được nhấn mạnh trong chỉ đạo mới nhất của UBND thành phố Đà Nẵng liên quan đến hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố trong thời gian đến.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh thành phố Đà Nẵng chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất trên địa bàn thành phố để đảm bảo an toàn tín dụng. Cùng với đó, cần có biện pháp yêu cầu các ngân hàng thương mại không cho phép đảo nợ hoặc định giá lại đối với quyền sử dụng đất đã thế chấp; thắt chặt tín dụng bất động sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cho vay vốn tín dụng bất động sản.
bất động sản toàn thị trường đồng loạt tăng giá
Trong tháng 3 vừa qua, Bộ Xây dựng đã triển khai khảo sát, thu thập thông tin dữ liệu, xác định mức độ biến động giá giao dịch một số loại bất động sản trong tháng và quý 1.2022 tại 8 địa phương là TP. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo đó, trong tháng 3.2022, giá giao dịch bất động sản bình quân toàn thị trường đều ở trong xu hướng tăng. Trong đó, một số loại hình bất động sản tại một số địa phương tăng giá khá cao so với tháng trước. Theo báo cáo, giá bất động sản cho thuê tại TP. Hà Nội và TP.HCM tăng nhẹ so với tháng 2.2022. Riêng giá căn hộ chung cư cho thuê tại Đà Nẵng cũng có mức giá tăng so với tháng trước.
Hà Nội tạm dừng bán 600 biệt thự cũ
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết, trên địa bàn Thành phố có 970 căn biệt thự được quản lý, gồm 207 biệt thự thuộc danh mục không được bán; 599 biệt thự đang bán dở dang và được tiếp tục bán; 164 biệt thự đã bán trọn biển số nhà. Sau đó, Hà Nội tiếp tục rà soát và bổ sung thêm 1 biệt thự được phép bán, nâng tổng số lên 600 căn biệt thự được phép bán.
Đối chiếu với hồ sơ quản lý của Công ty TNHH MTV quản lý nhà, 600 biệt thự được phép bán có đan xen sở hữu với từng biệt thự. 600 biệt thự có 5.686 hộ, tương đương những hợp đồng cho thuê, do Công ty TNHH MTV quản lý nhà ký. Đến thời điểm này, đã bán được 4.973 hộ. Hiện, còn 713 hộ, tương đương 713 hợp đồng, gồm: 563 hợp đồng ngôi chính và 150 hợp đồng.
1.300 nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại TP.HCM được khởi công trong tháng 4
Theo giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân, các công trình, dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với số lượng căn hộ trên 1.300 căn sẽ khởi công trong các ngày 25, 26 và 27-4. Trong đó, có dự án nằm ở TP Thủ Đức, phục vụ người lao động, công nhân làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung.
Theo kế hoạch của Sở Xây dựng, dự án nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức) được khởi công vào ngày 25-4 với số lượng căn hộ là 360 căn, dự án nhà ở xã hội thuộc khu nhà Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) khởi công ngày 26-4 với 242 căn và dự án chung cư nhà ở xã hội tại phường Long Trường (TP Thủ Đức) khởi công ngày 27-4 với 726 căn.
Một số chủ đầu tư có biểu hiện giữ đất, chờ lên giá
Thành phố Hà Nội cho biết sẽ tập trung xử lý nghiêm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn. Đối với các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, qua rà soát 135 dự án cho thấy thành phố có 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt.
Trong đó có 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh, nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND Thành phố. Ngoài ra, có 38 dự án đã chấm dứt hoạt động dự án theo quy định, và có 74 dự án đã được UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý.
Bất chấp cảnh báo, “sốt đất” vẫn tiếp diễn
Lợi dụng thông tin tại địa phương có quy hoạch, xây dựng dự án mới… nhiều môi giới, đầu cơ đã đẩy giá đất khu vực đó lên gấp 3-4 lần so với năm trước. Đồng thời cũng đã xảy ra tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, giao dịch đất nền trái phép, vi phạm trật tự xây dựng…
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá đất tại xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm tăng nhanh từng ngày sau khi một tập đoàn lớn dự định làm dự án đại đô thị tại đây. Nhiều nhà đầu tư, môi giới bất động sản từ các nơi đổ xô đến xem đất, mua đất, đẩy giá lên cao. Theo một người dân địa phương, nhiều lô đất trước kia có giá dưới 100 triệu đồng/mét ngang, nay được đẩy lên 180 – 300 triệu đồng/mét ngang. Đặc biệt, có lô đất vườn tăng giá 3-4 lần, từ mức chỉ 500-700 triệu đồng, được “thổi” lên 2-3 tỷ đồng.
CafeLand