Kể từ 2016, mỗi năm có khoảng 15.000 phòng thuộc phân khúc trung cao cấp gia nhập thị trường. Một số chủ đầu tư vội vàng gia nhập thị trường, mà chưa có sự đánh giá thấu đáo điều kiện địa phương. Do đó, bất động sản nghỉ dưỡng cần những chiến lược dài hơi hơn, chú trọng nâng cấp, làm mới các sản phẩm.
Thừa nguồn cung
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, hoạt động kinh doanh khách sạn tại thị trường Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch COVID-19, thể hiện qua cả hai chỉ số công suất phòng và giá phòng bình quân.
Những yếu tố tác động đến thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam có thể chia thành ba nhóm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Mỗi nhóm tác động đến quá trình khôi phục của thị trường khác nhau. Về mặt ngắn hạn, sự thiếu vắng nguồn khách Trung Quốc, vốn chiếm 32% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019 đem đến nhiều thách thức cho hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, chi phí các chặng bay dài trở nên đắt đỏ hơn cũng tác động đến sự khôi phục của một số thị trường, như thị trường khách châu Âu. So với cùng kỳ 2019, tổng lượt khách châu Âu đến Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch khoảng 38%.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, thị trường khách châu Á cũng thấp hơn mức trước đại dịch 32%. Hàn Quốc hiện là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam, tuy nhiên tổng lượt khách vẫn thấp hơn mức năm 2019. Thị trường Trung Quốc đang dần khôi phục đạt 950.000 tổng lượt khách, nhưng chỉ tương đương 28% so với cùng kỳ 2019. Thị trường khách châu Mỹ và châu Úc thấp hơn so với cùng kỳ 2019 khoảng 8%, đạt tổng 900.000 lượt khách, chủ yếu là du khách đến từ Mỹ và Úc.
Bên cạnh việc chậm khôi phục nguồn cầu, tình trạng dư thừa nguồn cung, chủ yếu tại các điểm đến ven biển góp phần gia tăng thách thức cho hoạt động kinh doanh khách sạn. Theo thống kê của Savills Hotels, kể từ năm 2016, trung bình có khoảng 15.000 phòng thuộc phân khúc trung cao cấp gia nhập thị trường lưu trú mỗi năm. Theo đó, nguồn cung phòng đã gia tăng gấp đôi chỉ trong vòng 6 năm.
Tác động cộng hưởng của yếu tố cung cầu khiến hoạt động kinh doanh khách sạn tại Việt Nam chậm khôi phục so với các quốc gia trong khu vực. Tính đến 8 tháng đầu năm 2023, công suất phòng trung bình của thị trường Việt Nam chỉ ở mức 40% nhưng tại Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia đều đã vượt mốc hơn 50% và thậm chí Singapore cũng gần đạt mức 75%.
Tại mức công suất này, thị trường Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch gần 20%. Tuy nhiên, quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh diễn ra không đồng đều. So với các điểm đến khác, Nha Trang – Cam Ranh và Phú Quốc gặp nhiều thách thức hơn trong việc cải thiện công suất phòng.
Tại Phú Quốc, công suất trung bình chỉ ở mức 30% và là một trong những thị trường kém hiệu suất nhất khu vực Đông Nam Á. Công suất khu vực Nha Trang – Cam Ranh cũng ở mức tương tự nhưng mức giá phòng bình quân dưới mức 100USD/đêm. Thị trường TPHCM và Hà Nội, tuy vẫn còn thấp hơn mức trước đại dịch, khôi phục tốt hơn các thị trường ven biển và đạt mức công suất trung bình hơn 60%.
Nguồn khách nội địa vẫn là động lực chính hỗ trợ hoạt động du lịch tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đón tiếp 86 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này được kỳ vọng là động lực tăng trưởng của ngành du lịch trong trung và dài hạn.
Phải làm mới sản phẩm
Để ngành du lịch nghỉ dưỡng cạnh tranh hiệu quả và bền vững hơn, ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh Việt Nam cần chú trọng hơn nữa công tác truyền thông sản phẩm du lịch đến thị trường quốc tế, cũng như thực hiện quảng bá hình ảnh phù hợp với đặc thù từng địa phương.
Việc gia tăng thời hạn miễn thị thực lên 90 ngày là tin đáng khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho cả nhóm khách nghỉ dưỡng cũng như nhóm khách công vụ lên kế hoạch cho chuyến đi đến Việt Nam mà không bị giới hạn về số lần nhập cảnh.
“Dù bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng nhưng không phải tất cả mô hình đều có thể hoạt động hiệu quả. Một số chủ đầu tư vội vàng gia nhập thị trường, mà chưa có sự đánh giá thấu đáo điều kiện thị trường địa phương, thậm chí cho rằng các mô hình kinh doanh khách sạn đều như nhau. Điều này khiến việc hoạch định, triển khai dự án không được thực hiện chỉnh chu, hạn chế khả năng vận hành của dự án sau khi đi vào hoàn thiện”, ông Mauro Gasparotti nói.
Nhận định về triển vọng phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng trong dài hạn, ông Mauro nói rằng, để Việt Nam có thể gia tăng mức độ cạnh tranh trên bản đồ du lịch thế giới, cần những chiến lược dài hơi hơn, chú trọng nâng cấp, làm mới các sản phẩm, bảo tồn các yếu tố văn hóa địa phương, nét đặc trưng cộng đồng, cũng như phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tương ứng với tốc độ phát triển.
Ngoài ra, ngành du lịch cần định hướng phát triển bền vững, hướng đến các mô hình du lịch sinh thái, du lịch tái tạo, du lịch y tế, và các sản phẩm dành cho đối tượng du khách cao tuổi. Hoạt động trải nghiệm, vui chơi giải trí trong các khu phức hợp nghỉ dưỡng cũng có nhiều tiềm năng. Việc nắm bắt các xu hướng đang định hình ngành nghỉ dưỡng trên toàn cầu là điều cần thiết để ngành du lịch tại Việt Nam có thể cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.
Tiền Phong