Theo các chuyên gia, nếu dịch bệnh được kiểm soát thành công các nhà đầu tư (NĐT) địa ốc sẽ chuyển từ sự tò mò sang việc quan tâm nghiêm túc, với nhu cầu và lượng giao dịch vốn đang gia tăng.
Dù thị trường BĐS gặp nhiều bất lợi, các chuyên gia vẫn có những dự đoán lạc quan cho tương lai của thị trường BĐS vào các tháng cuối năm và sang các năm sau.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, việc kiểm soát thành công đại dịch đang làm các nhà đầu tư chuyển từ sự tò mò sang việc quan tâm nghiêm túc, với nhu cầu và lượng giao dịch thị trường vốn đang gia tăng. Trong trung hạn, nhiều cơ hội cho thị trường BĐS, cụ thể, bầu cử quốc hội trong năm 2021 sẽ thúc đẩy kinh tế, Ngân hàng đang hành động tích cực đối với nợ xấu và quy trình đấu giá đất của Nhà nước đang ngày càng định hình rõ ràng hơn. Các yếu tố này sẽ góp phần tăng tính thanh khoản và tạo một thị trường BĐS năng động hơn.
Đơn vị này cũng chỉ ra nhiều tín hiệu lạc quan đối với các phân khúc BĐS trên thị trường. Cụ thể, ở phân khúc BĐS công nghiệp, ông John Campbell, Quản lý bộ phận Dịch vụ Công nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hạn chế đi lại, hoạt động của lĩnh vực khu công nghiệp xoay quanh các công ty ở Việt Nam mở rộng hoặc chuyển địa điểm sản xuất. 9 tháng đầu năm chứng kiến một số thương vụ sáp nhập quan trọng, và sự xuất hiện của các tài sản để bán và cho thuê lại. Về tình hình cho thuê, nguồn cầu về loại hình xây sẵn tăng trưởng mạnh do các nhà cung cấp dè dặt hơn trong việc cam kết thuê đất dài hạn hoặc đang dựa vào các hợp đồng ngắn hạn với khách hàng của họ.
ở phân khúc văn phòng, trước bối cảnh nguồn cung mới tại khu vực trung tâm ngày càng hạn chế, nguồn cung ngoài trung tâm với giá thuê phải chăng sẽ giúp khách thuê tối ưu hóa chi phí. Thời hạn thuê phổ biến từ 3 đến 5 năm đã và đang giúp thị trường văn phòng vượt qua tác động của dịch bệnh.
Trong khi đó, ở phân khúc căn hộ, bất chấp đại dịch, phân khúc căn hộ cao cấp ở Tp. HCM vẫn không hạ nhiệt. Một dự án mở bán sớm trong tháng 10 ở khu vực Thủ Thiêm dù có giá bán trung bình 7.000 USD/m2 đã thu hút được nhiều khách mua. Chỉ trong một ngày, các căn hộ đã bán gần hết.
Theo các đơn vị nghiên cứu, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhu cầu của khách hàng quan tâm đến các phân khúc vẫn rất tốt, đặc biệt phân khúc căn hộ và biệt thự nhà phố. Tỉ lệ tiêu thụ của căn hộ Tp.HCM trong quý 3 đạt trên 70% đã minh chứng cho điều này.
Trong đó, nhiều NĐT đã tự tin trở lại với thị trường thay vì e dè, tò mò như thời điểm dịch đang bùng phát. Đó cũng là lý do khiến tỉ lệ hấp thụ của các phân khúc trong quý 3 tốt hơn so với quý 2 rõ nét. Theo các chuyên gia, ở một số phân khúc, lượng người mua ở thực và NĐT đã bắt đầu quay trở lại thị trường với quyết định “xuống tiền” nhanh so với thời điểm sau Tết nguyên đán.
Đại diện một sàn giao dịch có trụ sở tại Q.2 cho biết, nếu thời điểm tháng 2 và tháng 3 môi giới tìm không ra khách đi xem nhà đất thì đến tháng 6,7 dương lịch lượng khách quan tâm đã tăng lên rõ nét, trong đó việc mời khách đi tham quan dự án cũng không còn khó khăn như trước đó do tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát lây lan tốt.
Đại diện này cũng cho hay, tâm lý của những NĐT có tiền là chờ giảm giá để mua được giá tốt nhưng do mức độ tăng giá sơ cấp vẫn lên trong suốt thời điểm dịch nên đến hiện tại họ đã nhận ra và mạnh dạn xuống tiền hơn. Có một số NĐT âm thầm theo dõi thị trường từ rất lâu và khi dịch ổn định hơn đã quyết tâm mua vào dù thực tế vẫn còn những lăn tăn liên quan đến dịch bệnh, tỉ suất lợi nhuận….
Theo ông Sử Ngọc Khương, hiện nay NĐT có tiền vẫn “xuống tiền”, NĐT có tiền nhưng chưa đủ nếu vay thêm 20-30% vẫn tìm cơ hội ở thị trường, riêng đối với những NĐT thường hay lướt sóng thì không “mặn mà” với thị trường nhà đất lúc này vì họ còn nhìn thấy khó khăn của thị trường ít nhất một năm nữa.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, thực tế đây là thời điểm thích hợp để vào thị trường với những NĐT có tiềm lực tài chính, lý do hiện có khá nhiều tài sản của NĐT khác đang bị áp lực tài chính và cần bán ra. Họ hi vọng những tài sản được mua lại này khi thị trường phục hồi thanh khoản sẽ tốt.
Theo Nhịp sống kinh tế