Cơ chế chính quyền đô thị được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề lớn của một đô thị đặc biệt như TP.HCM, tháo gỡ những nút thắt trên thị trường bất động sản đã tồn tại bấy lâu.
Động lực tăng trưởng mới
TP.HCM được xem là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn của cả nước về nhiều mặt. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Thành phố vẫn chưa thể phát huy hết thế mạnh, mà một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, thời gian qua, Thành phố đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, đề án với mong muốn phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh và vai trò đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
“Mô hình chính quyền đô thị của TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua là thành quả sau 13 năm ròng rã xây dựng. Mô hình sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt và lớn nhất của cả nước hiện nay”, ông Phong nói.
Thực tế, mô hình chính quyền đô thị cũng đang được thực hiện thí điểm ở TP. Hà Nội và Đà Nẵng, nhưng điểm khác biệt là TP.HCM được bắt tay vào xây dựng mà không qua thí điểm. Lý do bởi quy định hiện hành đã cho phép, trong khi trước đây phải thí điểm vì chưa đủ cơ sở pháp lý hoạt động.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho hay, việc không tổ chức hội đồng nhân dân các cấp quận, huyện, phường đã được Thành phố thí điểm thực hiện trong 7 năm (2009-2016) và ghi nhận nhiều kết quả tích cực như giúp tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn, chú trọng tính hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm chi ngân sách, tăng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân…
Đối với người dân và doanh nghiệp, việc không tổ chức hội đồng nhân dân các cấp quận, huyện, phường được TP.HCM triển khai gắn với xây dựng đô thị thông minh, cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đặc biệt, khi không tổ chức cấp này thì chính quyền TP.HCM sẽ tập trung thống nhất trong việc giải quyết các “điểm nghẽn” như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường và các vấn đề dân sinh khác.
“Việc giải quyết các thủ tục sẽ hiệu quả hơn so với hiện nay nhờ bộ máy tinh gọn. Khi giảm tầng nấc, không phải thông qua nhiều cấp chính quyền, thời gian triển khai các kế hoạch được nhanh hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của một đô thị đông dân. Đây cũng là cơ hội để đổi mới, sắp xếp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức”, ông Khuê nói.
Quan trọng vẫn là con người
Điểm nổi bật của mô hình chính quyền đô thị ở TP.HCM là thành lập “thành phố trong thành phố” – là hạt nhân, là một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững.
“Mô hình này được kỳ vọng sẽ không chỉ mang lại thay đổi bên ngoài, mà còn gắn với đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền TP.HCM, từ đó tác động rất lớn tới kinh tế nói chung, thị trường bất động sản Thành phố nói riêng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói.
Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực về cơ chế, chính sách, theo ông Châu, quan trọng nhất vẫn nằm ở còn người, bởi ngoài những vướng mắc vượt thẩm quyền cần xin ý kiến cấp Trung ương, thì một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến thị trường bất động sản TP.HCM “tắc” thủ tục bấy lâu nay là do một số cán bộ, công chức ngại trách nhiệm, dẫn đến thụ động, không dám đề xuất chính kiến, dẫn đến nhiều hồ sơ của doanh nghiệp bị “dừng – ngâm – đùn đẩy”.
Ông Châu cho biết, chưa lúc nào thị trường bất động sản TP.HCM đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Hầu hết các dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố đều rơi vào tình trạng “đứng hình” do ách tắc thủ tục. Điều đáng nói là không một doanh nghiệp phát triển dự án nào tự tin nói rằng không sử dụng vốn vay, ngược lại, tỷ lệ vốn vay thường rất lớn, kèm theo đó là chi phí lãi vay cao. Nếu tiền đã đổ xuống mà dự án bị đình lại vì yếu tố pháp lý vài quý, thậm chí vài năm, thì coi như là hồi chuông “báo tử” cho doanh nghiệp.
“Hiệp hội đã nhiều lần đề nghị rằng chỉ cần cán bộ ký nhanh hơn một chút thì sẽ giúp ích rất lớn cho doanh nghiệp. Còn hiện nay, vẫn đang tồn tại tình trạng ‘đá bóng trách nhiệm’ cho nhau”, ông Châu nói và cho biết thêm, việc Quốc hội thông qua chủ trương cho TP.HCM xây dựng mô hình chính quyền đô thị là một bước khởi đầu, Thành phố sẽ tiếp tục trình cơ chế vận hành mô hình này, trước mắt sẽ áp dụng cho “thành phố mới” Thủ Đức.
Với mô hình “TP. Thủ Đức” mà TP.HCM đã xây dựng lồng ghép vào đề án chính quyền đô thị, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm, về mặt tổ chức chính quyền của TP.Thủ Đức, bỏ cấp quận là không phù hợp vì quy mô Thành phố quá lớn do sáp nhập 3 quận hiện tại (gấp 2 lần diện tích thủ đô Paris của Pháp – 105 km2).
Tuy nhiên, có thể tính toán giảm cấp phường, vì theo tiêu chí đô thị thông minh, tới đây, nhiều thủ tục hành chính ở cấp phường được thực hiện qua công nghệ số. Đó là chưa kể về mặt thẩm quyền, khi bỏ cấp quận sẽ tạo cảm giác vị thế của lãnh đạo TP. Thủ Đức chỉ ngang cấp quận, như vậy sẽ không phù hợp với quy mô của Thành phố.
“Theo tôi, TP.HCM nên tham khảo mô hình TP. Đông của Thượng Hải về mặt tổ chức chính quyền đô thị. Tại đây, họ giữ cấp quận, chủ tịch TP. Đông có cơ chế lãnh đạo tương đương với phó chủ tịch cấp Thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Sơn nói và cho rằng, chỉ khi có một cơ chế linh hoạt, cởi mở, thì hoạt động mới hiệu quả. Nếu ngay từ đầu không tạo một cơ chế khác biệt cho TP. Thủ Đức thì sẽ khó có thể thành công.
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM nhìn nhận, việc hình thành TP. Thủ Đức là một bước đi chiến lược. Đây sẽ là khu đô thị đặc thù của TP.HCM, có tác dụng lan tỏa trực tiếp, phát huy được vai trò là lõi động lực cho hướng đô thị thông minh, công nghệ cao không chỉ với TP.HCM, mà còn với các vùng lân cận.
Tuy nhiên, theo vị này, việc xây dựng một TP.Thủ Đức với khu đô thị sáng tạo, tương tác cao sẽ không chỉ là sự đổi mới về công nghệ hay hạ tầng giao thông, mà còn là sự đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính. Với một đô thị sáng tạo, thủ tục phải được giải quyết nhanh, chính xác và chuyên nghiệp.
“Cần có những cải cách hành chính thực chất hơn, giải quyết căn bản những vấn đề về pháp lý để các doanh nghiệp thấy được sự chuyên nghiệp, xứng tầm với một mô hình chính quyền đô thị mà TP.HCM theo đuổi suốt 13 năm qua”, vị này nhấn mạnh.
- Nhà đầu tư bất động sản sẽ đổ tiền vào đâu trong thời gian tới?
- Giá chung cư vẫn tăng bất chấp dịch Covid-19 vì lý do gì?
Theo CafeLand